Hôm nay (24/10) tại thủ đô Brussels (Bỉ), khai mạc Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU), với trọng tâm thảo luận là những biện pháp nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của châu Âu trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, chính sách nhập cư và chương trình do thám của Mỹ sẽ là nội dung chính bao trùm hội nghị.

Diễn ra chỉ 3 tuần sau thảm họa chìm tàu nhập cư tại Lampdusa (Italy) làm hơn 360 người thiệt mạng, hội nghị lần này là dịp để những nước như: Italy, Malta, Hy Lạp và Tây Ban Nha kêu gọi các nước đối tác thực hiện những biện pháp cụ thể để thể hiện tình đoàn kết.

Phát biểu trước thềm hội nghị, Thủ tướng Italy Enrico Letta kêu gọi các nước hiện thực hóa những tuyên bố, trước hết là tăng cường khả năng và sức mạnh của Cơ quan giám sát biên giới của Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho rằng, kiểm soát biên giới phải là nỗ lực chung của toàn khối. Theo dự thảo tuyên bố kết thúc hội nghị đưa ra đầu tuần này, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu nhất trí kêu gọi tăng cường các nỗ lực nhằm tránh những thảm họa tương tự như tại Lampdusa. Văn kiện cũng ấn định thời điểm tháng 6 năm tới, tức là sau các cuộc bầu cử Liên minh châu Âu, cần xây dựng một chính sách dài hạn về vấn đề tị nạn và nhập cư.

Đặc biệt, cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Liên minh châu Âu trở nên căng thẳng sau một loạt thông tin được tiết lộ về chương trình do thám của Mỹ nhằm vào các nước châu Âu.

Sau Pháp, đến lượt Chính phủ Đức hôm 23/10 thông báo, điện thoại di động của Thủ tướng nước này Angela Merkel có thể cũng chịu sự theo dõi của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Dù chính phủ Mỹ ngay sau đó đã bác bỏ cáo buộc, song các nhà lãnh đạo châu Âu cũng muốn nhân hội nghị này nói rõ lập trường của mình, cũng như thảo luận đề xuất của Ủy ban châu Âu liên quan tới việc bảo vệ các dữ liệu./.T