Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm nay (17/7) có cuộc gặp trực tiếp tại Brussels, Bỉ nhằm thảo luận về kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19 và một ngân sách dài hạn mới của khối.
Thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 cùng những bất đồng quan điểm về chương trình nghị sự chính giữa các nước thành viên cho thấy những khó khăn để đạt được đồng thuận tại Hội nghị diễn ra hai ngày này.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel hôm qua (16/7) cho biết phải mang thêm một bộ quần áo đến Brussels để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu, đề phòng cuộc họp kéo dài hơn so với 2 ngày theo kế hoạch.
Mặc dù đây là câu nói hài hước của Thủ tướng Luxembourg trước báo chí nhưng cũng phản ánh thực tế về những khó khăn để các nước Liên minh châu Âu đạt được đồng thuận tại hội nghị trong bối cảnh khối phải đối mặt với nhiều thách thức như chống Covid-19, phục hồi nền kinh tế, quan hệ thương mại với Anh hậu Brexit hay làn sóng người di cư...
Tuy nhiên Thủ tướng Luxembourg cho rằng, điều quan trọng là 27 nước thành viên cần phải thể hiện tinh thần đoàn kết vì chỉ một nước bị ảnh hưởng sẽ tác động đến tất cả các nước.
Nhóm 4 nước phản đối gồm Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Thụy Điển cho rằng EU phân bổ khoản tiền 750 tỷ euro mà không đi kèm các nghĩa vụ về trả nợ là không hợp lý. Số quỹ này trích ra từ ngân sách chung của khối do đó EU có quyền giám sát việc chi tiêu của những nước được hưởng lợi. Những bất đồng này đã khiến Thủ tướng Đức Merkel – nước chủ tịch Liên minh châu Âu phải thừa nhận các bên có thể sẽ không đạt được thỏa thuận tại hội nghị kéo dài hai ngày này hoặc hội nghị có thể kéo dài hơn so với kế hoạch để hướng đến một thỏa thuận có lợi cho tất cả các nước.
Bà Merkel cho biết:“Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu sẽ thảo luận về các đề xuất khôi phục quỹ của Liên minh châu Âu và làm thế nào để đạt được một nền tảng chung về vấn đề này. Quan điểm giữa các nước vẫn còn nhiều bất đồng. Tôi không biết liệu chúng ta có thể đạt được một giải pháp hay không nhưng tôi xin khẳng định thỏa thuận này sẽ tốt cho cả châu Âu”.
Trong bối cảnh hiện nay, các cụm từ đoàn kết hay thỏa hiệp được nhắc đến nhiều nhất như một phép thử của Liên minh châu Âu giữa những rạn nứt nội bộ. Các nước cũng kỳ vọng vào sự dẫn dắt của nước chủ tịch Liên minh châu Âu là Đức với nhiều kinh nghiệm sẽ giúp khối vượt qua khó khăn hiện nay.
Ngay trước thềm hội nghị, Thủ tướng Merkel tuyên bố Đức sẵn sàng thỏa hiệp về quỹ phục hồi châu Âu, trong khi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh "sẽ làm mọi thứ" vì quỹ phục hồi châu Âu. Với việc các nền kinh tế đầu tàu EU như Đức hay Tây Ban Nha tuyên bố sẵn sàng nhượng bộ và nỗ lực thúc đẩy quỹ phục hồi có ý nghĩa quan trọng, tạo hi vọng các nước có thể đạt được đồng thuận, mặc dù khó khăn, tại hội nghị lần này./.
“Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt để đạt được đồng thuận về ngân sách EU cũng như Quỹ phục hồi. Khi đến Brussels, đã có nhiều cuộc thảo luận trước đó chứ không phải đây là vấn đề lần đầu được đưa ra. Đã có những ý kiến khác nhau và chúng ta cần thảo luận. Tôi nghĩ cơ hội thảo luận trực tiếp sẽ giúp các bên phá vỡ thế bế tắc, tìm kiếm sự đồng thuận và hướng đến sự thỏa hiệp”, ông Xavier Bettel nói.
Theo kế hoạch, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên sẽ thảo luận nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro (khoảng 845 tỷ USD) và thảo luận ngân sách dài hạn cho EU trong giai đoạn 2021-2027.
Trong bối cảnh khó khăn kinh tế hậu đại dịch thì quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro vẫn là vấn đề khẩn cấp nhất cần giải quyết trước mắt. Hiện có nhiều bất đồng giữa các nước thành viên về Quỹ phục hồi kinh tế này. Trong khi hai quốc gia đầu tàu EU là Đức và Pháp hoàn toàn ủng hộ, một số nước Bắc Âu vẫn phản đối đề xuất này.