Hôm nay (9/3), Hội nghị thượng đỉnh Mùa Xuân của Liên minh châu Âu (EU) khai mạc tại Brussels (Brussels), Bỉ .
Hội nghị 2 ngày này tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng của khối liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh, nhập cư và đặc biệt là tương lai của một châu Âu thống nhất sau khi Anh rời khỏi khối (Brexit).
Trong ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tiến hành bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng châu Âu mới, khi Chủ tịch đương nhiệm Donald Tusk kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/5 tới. Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức diễn ra ở Malta, ông Donald Tusk đã tuyên bố tiếp tục ra ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo.
Với chủ trương thúc đẩy đầu tư, giữ vững tăng trưởng và tạo công ăn việc làm, hội nghị 2 ngày cũng dành thời gian điểm lại những tiến bộ đạt được trong tiến trình phát triển thị trường chung và những mục tiêu thực hiện các chiến lược từ nay đến năm 2018.
Đây có thể là Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu cuối cùng mà Thủ tướng Anh Theresa May tham dự, trước khi chính thức kích hoạt tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm để ra khỏi Liên minh châu Âu.
27 nước thành viên còn lại ngày mai (10/3) sẽ tiếp tục có cuộc họp mà không có sự tham dự của nhà lãnh đạo Anh, chuẩn bị cho một “châu Âu đoàn kết”- nội dung chính của cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo tại Rome, Italy vào 25/3 tới, đúng dịp kỉ nệm 60 năm kí Hiệp ước Rome tạo nền móng thành lập Liên minh châu Âu.
"Một châu Âu thống nhất" là điều các nước thành viên EU đang hướng tới, sau hàng loạt các chia rẽ mà khối đang phải đối mặt gần đây liên quan đến vấn đề di cư, tăng trưởng, đặc biệt sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về việc nước này quyết định rời khỏi ngôi nhà chung.
Tuy nhiên, con đường tới Rome vào cuối tháng này, với hi vọng EU có thể truyền tải một thông điệp đoàn kết vẫn đang phải đối mặt với những thách thức.
Chỉ riêng việc bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng có nhiều quan điểm trái ngược nhau.
Ba Lan hôm qua hối thúc các quốc gia thành viên không nên tái bổ nhiệm ông Donald Tusk, vì cho rằng điều này sẽ hủy hoại tính thống nhất đang rất mong manh của khối.
Chủ tịch đảng cầm quyền Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cho biết: “Ông Donald Tusk là một chính trị gia đã phá vỡ các qui tắc cơ bản của Liên minh châu Âu. Một đại diện của chính quyền khối trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không nên phá vỡ qui tắc lập trường trung lập khi đề cập đến vấn đề nội bộ của các nước thành viên. Những người phá vỡ các qui tắc cơ bản này không thể là chủ tịch Ủy ban châu Âu và chắc chắn chúng tôi không ủng hộ”.
Bất chấp sự phản đối của Ba Lan, các nhà ngoại giao cho rằng, lãnh đạo Liên minh châu Âu vẫn chắc chắn ủng hộ kéo dài nhiệm kì của ông Tusk thêm 30 tháng nữa trong cuộc gặp hôm nay. Trong khi đó, những bất đồng về ý tưởng xây dựng châu Âu theo hình thức “đa tốc”, với việc các quốc gia thành viên có thể tự quyết những vấn đề liên quan tới mức độ hội nhập và liên kết khối cũng vẫn chưa đạt được sự thống nhất.
Các nước lớn trong khối như Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha ủng hộ, nhưng một số nước Bắc và Đông Âu lo ngại “chính sách đa tốc” này có thể dẫn đến tình trạng chia rẽ và gây bất lợi cho họ.
Mặc dù vậy, một số quan chức EU đang tìm kiếm các thỏa hiệp để giải quyết bất đồng trong khối cho rằng thông điệp quan trọng đưa ra từ Rome sẽ phải là sự đoàn kết và thống nhất của năm 2017.
Không nước nào có thể thúc đẩy sự chia rẽ và tất cả các nước đều phải hợp tác cùng nhau. Với những mối lo ngại chung mà các quốc gia thành viên đều đang phải đối mặt, như căng thẳng với Nga, chính sách với Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump hay sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy và dân tộc khi các cuộc bầu cử tại Hà Lan, Pháp và Đức đang đến gần …những thông điệp từ hội nghị thượng đỉnh tại Brussels và Rome trong tháng này sẽ rất quan trọng, quyết định đường hướng và ảnh hưởng lớn đến tương lai của khối./.