Tuyên bố này có nghĩa cam kết giữa hai bên về ngăn chặn dòng người tị nạn ở biên giới coi như bị xóa bỏ. Vậy hai bên có để tình huống xấu đó xảy ra hay không? Hay đây chỉ là cách để đạt được những phần có lợi hơn trong cuộc “mặc cả” giữa hai bên?
Ảnh minh họa: AP
Từ trước đến nay châu Âu chưa có bất cứ thời điểm nào hài lòng với tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến nhân quyền, tự do ngôn luận hay các quyền tự do cá nhân.
Đó chính là một trong những cản trở lớn nhất trong quan hệ giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt nhiều năm qua và là lí do mà hết lần này đến lần khác nhiều thành viên EU ngăn cản quyết định cho Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán gia nhập EU.
Nói cách khác là từ trong sâu thẳm, từ trước đến nay châu Âu luôn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không chia sẻ các giá trị chung với họ về tự do cá nhân. Vì thế, các quan ngại của EU trong dịp này hoàn toàn không có gì mới, nhất là trong bối cảnh chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thực thi một chính sách cứng rắn nhằm siết chặt quyền kiểm soát sau vụ chính biến cách đây vài tháng.
Chỉ có điều khác là trong dịp này, EU vừa công bố một báo cáo về quyền tự do ngôn luận và nhà nước pháp quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ trong đó nhận xét là Thổ Nhĩ Kỳ đang có các bước lùi trong các vấn đề này.
Ngoài ra, lãnh đạo của Hội đồng châu Âu là Thorbjorn Jagland cũng thăm Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ các quan ngại đó. Điều này cho thấy là từ sau vụ chính biến Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu ngày càng lo lắng khi chứng kiến tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi theo hướng xâm phạm nhiều hơn các quyền tự do mà theo châu Âu là tối cần thiết đối với một ứng cử viên đang có nguyện vọng gia nhập liên minh.
Ankara nắm đằng chuôi ?
Từ trước đến nay Ankara luôn khẳng định rằng những gì họ tiến hành là thuộc phạm vi công việc nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ và các bên ở ngoài không có quyền can thiệp.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang duy trì tình trạng an ninh đặc biệt sau vụ chính biến hồi tháng 7 nên chính quyền nước này hoàn toàn có đủ lập luận để bảo vệ cho các hành động cứng rắn như bắt người hay đóng cửa các toà soạn báo… Vì thế, dù quan ngại nhưng phía EU cũng chỉ có thể bày tỏ bằng lời nói chứ hoàn toàn không đủ sức nặng gây sức ép buộc chính quyền Ankara thay đổi.
Ngoài ra, trong tình thế hiện nay, EU hoàn toàn phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn làn sóng tị nạn từ Syria tràn sang châu Âu nên có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ là bên nắm thế chủ động hoàn toàn.
Các nước châu Âu cần dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ hơn là ngược lại và Ankara thậm chí còn đủ quyền lực để ra các yêu sách buộc EU phải đáp ứng nếu không muốn làn sóng tị nạn lại tràn vào EU một cách không kiểm soát. Thoả thuận về tị nạn giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ là minh hoạ rõ nhất cho thấy thế thượng phong của Ankara trong các đàm phán với Brussels.
Giờ đây, mỗi khi EU tỏ ý không hài lòng về các hành động của Ankara thì Thổ Nhĩ Kỳ lại lập tức đưa thoả thuận kia ra làm vũ khí đe doạ và ép buộc EU. Đó là tình thế mà dù rất không thoải mái nhưng cho đến hiện nay các nước EU vẫn chưa thể tìm ra lối thoát.
Khả năng lớn EU phải nhượng bộ
Khả năng EU phải nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn bởi EU không có nhiều lựa chọn trong việc ngăn chặn làn sóng tị nạn ngoài việc phải hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, nhượng bộ đến mức nào thì còn phụ thuộc vào các thương lượng giữa hai bên. Đã 7 tháng kể từ khi hai bên ký kết Thoả thuận về kiểm soát dòng người di cư mà vẫn chưa có biến chuyển gì đáng kể, nguyên do chủ yếu là do phía Thổ Nhĩ Kỳ không nhiệt tình thực hiện. Bản thân thoả thuận đó bị nhiều người coi là thoả thuận đáng xấu hổ bởi EU phải nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ quá nhiều.
Chính vì thế trong thời điểm này cũng khó có chuyện EU gây được sức ép đủ lớn để buộc Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi. Ngược lại, khi Ankara đe doạ ngưng việc thực hiện thoả thuận và dùng con bài người tị nạn, EU lại phải đứng trước tình huống không thể không nhượng bộ. Còn nhượng bộ đến mức nào thì chúng ta phải chờ xem các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ dẫn đến đâu./.