Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây thừa nhận, châu Âu đã “thực sự bị bất ngờ” trước mức độ và quy mô của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2.
“Cần phải làm gì để kiểm soát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2?”, là câu hỏi bao trùm châu Âu hiện nay. Trên thực tế, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm nay, hành động của Liên minh châu Âu tới nay chỉ dừng lại ở cấp quốc gia, chứ chưa thực sự phối hợp trên quy mô toàn khối. Vì thế, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ngày hôm nay được xem là cơ hội để khối này “xốc lại tinh thần” và chuẩn bị cho những hành động quyết liệt hơn trong tương lai.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 28/10 bày tỏ lấy làm tiếc khi các nước quá nóng vội trong việc dỡ bỏ phong tỏa, đồng thời nhấn mạnh, không quốc gia thành viên nào có thể an toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng chừng nào thế giới chưa làm được điều này. Các nước thành viên cần hợp tác, phối hợp và đoàn kết, bởi vaccine tiềm năng ngừa Covid-19 sẽ chưa thể sẵn sàng trước tháng 4 năm sau.
Bà Leyen nói: “Trong kịch bản tốt nhất, chúng tôi có thể thấy khoảng 20 đến 50 triệu liều vaccine được phân phối hàng tháng. Tuy nhiên nguồn cung vaccine sẽ chưa thể sẵn sàng trước tháng 4 năm sau.”
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thì cảnh báo, mỗi ngày trôi qua đều rất đáng giá. Liên minh châu Âu cần hành động kiên quyết ở phạm vi châu Âu và dựa trên 2 trụ cột: xét nghiệm/ truy dấu và vaccine.
Ủy ban châu Âu trước đó đã đề xuất việc áp dụng thống nhất trên toàn khối phương pháp xét nghiệm kháng nguyên, cho kết quả nhanh hơn nhiều so với xét nghiệm sinh học phân tử (PCR). Để tài trợ cho kế hoạch này, 100 triệu euro sẽ được trích ra từ ngân sách khối và số còn lại sẽ từ đóng góp của các nước thành viên.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đã phải tái phong tỏa hoặc tăng cường các biện pháp kiểm dịch nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2.
Phát biểu trên truyền hình ngày 28/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận, cũng giống như những nước láng giềng khác, Pháp “thực sự bị bất ngờ” trước sự gia tăng đột ngột số ca mắc Covid-19. Nhà lãnh đạo Pháp hôm qua đã quyết định tái phòng tỏa toàn quốc trong ít nhất 1 tháng, đồng thời cảnh báo nguy cơ sẽ có thêm ít nhất 400.000 người tử vong do Covid-19 trong vài tháng tới nếu không hành động: Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đòi hỏi sự phối hợp ở cấp độ châu Âu. Điều này vừa giúp chúng ta tránh phải đóng cửa biên giới một lần nữa và để điều phối chiến lược chống đại dịch, nhất là trong chiến lược xét nghiệm. Đây cũng là một nội dung trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu.”
Còn tại Đức, chính phủ nước này hôm qua đã tăng cường những biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt, trong đó có việc đóng cửa 1 tháng các nhà hàng và trung tâm giải trí, đồng thời với các khoản hỗ trợ lên tới 10 tỷ euro để giúp nền kinh tế vượt qua cú sốc do Covid-19. Tuy nhiên, các quan chức chính trị tại châu Âu vẫn hi vọng có thể kiểm soát được tình hình trước các dịp lễ quan trọng vào cuối năm nay, mặc dù phần lớn các chợ Giáng Sinh đều đã bị hủy bỏ do đại dịch./.