Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh cả châu Âu đang được đặt trong tình trạng báo động cao, trước nguy cơ tấn công của các tay súng cực đoan trở về từ cuộc chiến Syria, Iraq cũng như những bất ổn tại khu vực Trung Đông đang "tiếp tay" cho IS mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. 

kerry_pqbh.jpgNgoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Hội nghị (Ảnh Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đồng tổ chức hội nghị lần này. Có 21 ngoại trưởng trong 60 nước liên minh quốc tế chống IS tại Iraq và Syria tham dự. Đây là lần đầu tiên liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu có cuộc gặp sau vụ tấn công tại Pháp làm 17 người thiệt mạng. 

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để thả hai công dân nước này do IS bắt giữ. 

Theo tuyên bố của IS, vào khoảng 12h 50 phút trưa 23/1, nếu Nhật Bản không trả khoản tiền chuộc 200 triệu USD, 2 con tin người Nhật sẽ bị hành quyết. Mặc dù Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida không tham dự hội nghị lần này, nhưng tuyên bố của Chính phủ Nhật Bản tiếp tục đóng góp vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu là thông điệp gửi tới hội nghị khẳng định quyết tâm của quốc tế chống chủ nghĩa cực đoan. 

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 22/1 cho biết, Nhật Bản đang sử dụng mọi biện pháp để giải phóng hai công dân đang bị IS bắt giữ. 

Tuy nhiên, ông Suga cũng nhận định, tình hình đang gặp nhiều khó khăn: “Mặc dù tình hình hiện rất khó khăn nhưng chúng tôi đang làm mọi điều có thể để đảm bảo an toàn cho các con tin. Nhật Bản sẽ không nhượng bộ đối với chủ nghĩa khủng bố và chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp cùng với cộng đồng quốc tế chống lại chủ nghĩa khủng bố”. 

Các vụ tấn công tại Pháp gần đây cũng đang làm dấy lên mối lo ngại của cả châu Âu về mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan, đặc biệt từ những tay súng được đào tạo tốt trở về từ cuộc chiến ở nước ngoài. 

Cơ quan an ninh châu Âu ước tính, có khoảng 5.000 công dân EU tham gia vào các nhóm vũ trang tại Iraq và Syria. 

Phát biểu trước hội nghị, Ngoại trưởng Anh Hammond cho rằng, cuộc đối thoại là cơ hội quan trọng để đánh giá những bước tiến trong cuộc chiến chống IS và đưa ra biện pháp cần thiết để đối phó hiệu quả với IS. 

Tại hội nghị lần này, các nước không chỉ tập trung vào một mặt trận quân sự mà còn tăng cường hợp tác qua việc chia sẻ thông tin tình báo, đối phó với các vụ tấn công có thể của những tay súng nước ngoài trở về từ cuộc chiến tại Trung Đông. 

Một nhóm chuyên gia làm việc sẽ được thành lập nhằm chia sẻ thông tin về việc ngăn chặn công dân các nước tham chiến tại Trung Đông. Các Ngoại trưởng cũng sẽ thảo luận những nỗ lực quân sự ủng hộ lực lượng Iraq và người Kurd đối phó với IS. 

Cuộc chiến chống IS của Mỹ và liên quân quốc tế trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng kể. 

Trong thông điệp liên bang ngày 21/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, các cuộc không kích của liên quân đã có tác dụng chặn đà mở rộng của IS tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, thất thế và suy yếu tại hai nước này, IS lại lấn sang khu vực Nam Á đầy bất ổn với chiến dịch tuyển mộ tay súng tại Afghanistan. 

Những bất ổn tại Trung Đông, đặc biệt tại các nước được coi là trụ cột trong chiến lược chống IS của Mỹ như Syria hay Yemen cũng đang “ tạo đà” cho IS mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. 

Điều này đang đặt ra những thách thức cho Mỹ cũng như liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố trong thời gian tới./.