Nga, Mỹ và Liên Hợp Quốc đang cùng thúc đẩy những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn Hội nghị quốc tế về Syria dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) trong tháng 6. Hội nghị chưa khai mạc nhưng đã có thể thấy thất bại, khi những điều kiện tiên quyết từ các bên tại Syria đều khó chấp nhận.
Ngày 30/5, hãng thông tấn Nga Interfax dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao cho biết các quan chức Liên Hợp Quốc, Nga và Mỹ đã nhất trí tiến hành hội đàm vào tuần tới để thảo luận biện pháp nhằm đưa các bên tham chiến tại Syria ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.
Cuộc gặp ba bên dự kiến tổ chức tại Geneva với sự tham dự của Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà ngoại giao cấp cao Nga-Mỹ cùng bàn thảo về vấn đề Syria. Ngoại trưởng Nga và Mỹ trong cuộc gặp ngày 7/5 tại Paris (Pháp) cũng đã tuyên bố sẽ nỗ lực đưa Chính phủ Syria và phe đối lập sớm ngồi vào bàn đàm phán, nhằm chấm dứt cuộc xung đột hơn 2 năm qua qua ở quốc gia Trung Đông này. Song nỗ lực của Nga và Mỹ liên tiếp bị cản trở và thử thách khi chính quyền Syria và phe đối lập “không bên nào nhường bên nào”, với những điều kiện tiên quyết để tham gia đàm phán khó chấp nhận được.
Liên minh Dân tộc Syria (SNC), nhóm đối lập chính được phương Tây hậu thuẫn, ngày 30/5 tuyên bố “Không Tổng thống Assad, Hezbollah hay Iran” là điều kiện để tham gia đàm phán Geneva. Tuyên bố này ngay lập tức vấp phải chỉ trích từ Nga, cho rằng đòi hỏi này là “không thực tế”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Yêu cầu này là không thể chấp nhận vì Liên minh Dân tộc Syria không phải là đại diện duy nhất của người dân Syria và họ không có quyền quyết định như vậy. Hành động của Liên minh Dân tộc Syria giống như cản trở giải pháp chính trị và cố gắng lôi kéo can thiệp quân sự vào Syria”.
Hiện trường của một vụ đánh bom xảy ra ở Syria (Ảnh: USA today) |
Các nhóm đối lập khác tại Syria cũng lên tiếng chỉ trích điều kiện do Liên minh Dân tộc Syria đưa ra, đồng thời khẳng định Liên minh dân tộc Syria không thể đại diện cho toàn thể người dân Syria trong các cuộc đàm phán hòa bình, các nhóm đối lập tại Syria có thể cử một số đoàn đại biểu tham gia cuộc hòa đàm sắp tới.
Trong khi đó, dù Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói rằng sẽ tham gia đàm phán vô điều kiện, song Liên minh Dân tộc Syria cũng không thể chấp nhận tuyên bố của ông al-Assad, nói rằng bất cứ kết quả nào đạt được tại đàm phán hòa bình sẽ phải được thông qua bởi trưng cầu ý dân. Không thể phủ nhận bác bỏ của Liên minh Dân tộc Syria cho rằng, tình hình quốc gia Trung Đông lúc này không đủ điều kiện để tiến hành trưng cầu ý dân và Tổng thống al-Assad thực chất không hề quan tâm đến cuộc đàm phán sắp tới. Ông Ahmed Kamal, một thành viên Liên minh Dân tộc Syria nói: “Đây là điều lố bịch, vì làm thế nào để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý dưới một chế độ độc tài và khi đất nước đang chiến tranh. Đây là 2 yêu cầu cần thiết để đảm bảo cho một cuộc trưng cầu ý dân và Syria thiếu cả 2 điều này”.
Sự bất đồng giữa các nhóm đối lập Syria không thể tạo thành một nền tảng đủ chắc cho cuộc đàm phán tại Geneva. Bên cạnh đó, việc Liên minh châu Âu quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí Syria, vốn sẽ mở đường để Anh và Pháp tăng cường hỗ trợ cho phe đối lập. Bên cạnh đó, kế hoạch của Nga cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho quân đội chính phủ Syria, chẳng khác nào một sự can thiệp quân sự mạnh mẽ từ bên ngoài vào Syria. Điều đáng lo ngại nhất, hành động của các cường quốc đã lôi kéo cả các nhóm nổi dậy trong khu vực, như Hezbollah tham chiến, khiến cho chảo lửa xung đột tại Syria trở nên nóng hơn bao giờ hết ngay trước bàn đàm phán./.