Các nước cũng nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. 

Sự phục hồi sau đại dịch và tác động của cuộc chiến tại Ukraine đặt ra "những thách thức lớn" đối với thế giới. Vì vậy cuộc xung đột Nga-Ukraine trở thành một trong những nội dung chính tại các phiên họp cũng như cuộc gặp song phương. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết tất cả 23 cuộc gặp của bà bên lề hội nghị đều đã thảo luận cụ thể về chủ đề này với lời kêu gọi sớm chấm dứt xung đột

"Có mong muốn chung từ nhiều nước về việc chấm dứt xung đột Ukraine ngay lập tức, tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột thông qua đàm phán và ngoại giao”.

Những tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đang được cảm nhận trên toàn cầu từ lương thực, năng lượng và tài chính, với các nước đang phát triển và thu thập nhất bị tác động rõ nhất. Tăng trưởng toàn cầu dự kiến giảm ở mức 2,9% trong năm 2022 trong khi lạm phát có thể tăng 8,7% tại các nước đang phát triển. 

Không chỉ là những tác động hiện hữu, cuộc xung đột cũng đang gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên với các màn chỉ trích lẫn nhau tại Hội nghị. Trước những thách thức mà thế giới phải đối mặt, trong bài phát biểu gửi tới hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đề cao chủ nghĩa đa phương để giải quyết các thách thức.

"Tăng cường chủ nghĩa đa phương không phải là một sự lựa chọn, mà là sự cần thiết. Đó là cách duy nhất để tránh tình trạng thiếu lương thực trên diện rộng, sự hỗn loạn về khí hậu và làn sóng đói nghèo sẽ không xảy ra trên thế giới”.

Không thỏa thuận hay kết quả cụ thể nào được thông báo sau cuộc gặp nhưng rõ ràng những vấn đề được đưa ra thảo luận sẽ tạo tiền đề cho những giải pháp trong thời gian tới. Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, tạo điều kiện xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen, đảm bảo phân bón của Nga tiếp cận với thị trường quốc tế. Mỹ thông báo 368 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine hay Liên Hợp Quốc cũng cho biết đang tích cực thảo luận với Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc an toàn.

Không bức ảnh chụp chung sau hội nghị hay các màn đấu khẩu tranh cãi… Đây là những vấn đề có thể dự đoán trước trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đang gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên. 

Tuy nhiên các nước đều đánh giá cao vai trò của Indonesia nước chủ nhà, không né tránh vấn đề gây tranh cãi, tạo ra một diễn đàn để các bên tiến hành “cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng”. 

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đánh giá Indonesia là một quốc gia có trách nhiệm, hiểu rõ tầm quan trọng của việc thiết lập đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế và nguyên tắc chủ quyền của các quốc gia bình đẳng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng khẳng định với vai trò lãnh đạo G20, Indonesia đã đặt các vấn đề quan trọng và cấp bách cần được thảo luận, cho thấy trách nhiệm và vai trò quan trọng của quốc gia Đông Nam Á này trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế lớn./.