Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) ở Katowice, Ba Lan hôm qua (11/12) bước vào phiên họp cấp cao. Hội nghị bắt đầu "nóng lên" cùng với những tiếng nói kêu gọi đẩy nhanh tiến trình đàm phán, đi vào những nội dung trọng tâm của hội nghị.

hoinghicop24_ccjo.jpg
COP24 bước vào phiên họp cấp cao với các phiên tranh luận nóng dần trong tuần làm việc cuối cùng. Ảnh: Reuters.
190 nước tham dự hội nghị đặt mục tiêu nhất trí về một cuốn sách quy tắc thực thi thỏa thuận khí hậu Paris nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, cho đến nay, kỳ vọng các bên có thể ra được một cuốn sách như vậy đang ở mức thấp. Sự đồng thuận chính trị từng được xây dựng ở hội nghị COP21 diễn ra ở Paris đang bị phủ bóng trước việc các Chính phủ dân túy đặt chương trình nghị sự quốc gia trên hành động tập thể quốc tế. Đã có không ít tiếng nói kêu gọi các bên cam kết đối thoại mang tính xây dựng trong những ngày họp tới nhằm giải quyết bất đồng và đưa những cam kết của thỏa thuận Paris vào cuộc sống.
Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) Hoesung Lee nói: “Báo cáo của chúng tôi cho thấy, thiện chí chính trị là chìa khóa để thực thi những giải pháp cải thiện cuộc sống của con người và giới hạn mức độ nóng lên của trái đất ở mức 1,5 độ C. Cơ hội để giới hạn mức tăng nhiệt của trái đất ở mức 1,5 độ C đang ngày càng thu hẹp, đòi hỏi mức độ phát thải dòng carbon dioxide thế giới phải giảm 45% vào năm 2030. Đây sẽ là vấn đề lớn đối với chúng ta trong những năm tới.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze nói: “Tôi tin rằng, hành động bảo vệ khí hậu trái đất chỉ có thể thành công một khi chúng ta để tâm nghiêm túc tới việc làm và cuộc sống của những người tại các khu vực sử dụng than. Các nhà hoạch định chính sách cần đưa cho cho họ những lựa chọn.”

Về các khoản hỗ trợ của các nước giàu, các nước công nghiệp đối với các nước nghèo, các nước kém phát triển bị ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, không ít đại diện của các quốc đảo nhỏ - những khu vực được cho là bị ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu đã kêu gọi thành lập một quỹ “thiệt hại và mất mát” của tình trạng biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo việc hỗ trợ của các nước giàu tới các quốc gia bị ảnh hưởng.

Để đảm bảo nguồn ngân sách cho quỹ này hoạt động, Ngoại trưởng Vanuatu Ralph Regenvanu đề xuất đánh thuế đối với những hoạt động làm tổn thương khí hậu, qua đó khiến các công ty và sản phẩm gây hại cho môi trường có trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại cho hành động gây hại đối với môi trường và gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu của Liên Hợp Quốc đánh giá sau khi ký kết Thỏa thuận Paris 2015, một số quốc gia như Argentina, Canada, Chile, Ấn Độ và Liên minh châu Âu đã có những bước đi cần thiết và đúng đắn trong việc cắt giảm khí thải. Na Uy và Costa Rica cũng hướng đến hình thái giao thông ít phát thải carbon và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của nhiều quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, lại tăng trong năm 2018.

Một số quốc gia như Mỹ, Australia, Brazil, Indonesia, Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chưa có hành động cụ thể, thậm chí đi những bước thụt lùi, trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu chung của toàn nhân loại./.