Ngày 4/9, lãnh đạo 28 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO bắt đầu hai ngày họp tại Xứ Wales.
Hội nghị cấp cao này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều khủng hoảng về an ninh, như tình hình tại Ukraine đang đẩy mối quan hệ giữa Nga và phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh và một Trung Đông đang có nguy cơ bùng nổ với mối đe dọa của nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria.
Những vấn đề an ninh khẩn cấp khiến dư luận đánh giá cuộc họp của các nhà lãnh đạo NATO lần này sẽ là một trong những hội nghị có ảnh hưởng nhất trong lịch sử 65 năm qua của khối.
Cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra sau việc Nga sáp nhập Crimea đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa Nga và phương Tây trong thời gian qua với hàng loạt biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau.
Trong bối cảnh sức mạnh của NATO chưa được thể hiện rõ trong các vấn đề quốc tế gần đây, đặc biệt khi sứ mệnh của tổ chức này tại Afghanistan chuẩn bị kết thúc, thì cuộc khủng hoảng Ukraine được coi như là “ liều thuốc” hồi sinh vai trò của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này.
Tuy vậy, NATO trong thời gian qua đối mặt với nhiều chỉ trích khi liên tục đưa ra tuyên bố lên án hành động của Nga đối với Ukraine, nhưng hành động cụ thể tích cực nhất mà NATO làm được cũng chỉ là những cuộc tập trận quy mô nhỏ.
Trước những chỉ trích này, các nước NATO bắt đầu có chiến dịch lớn hơn nhằm tăng cường sự hiện diện tại Đông Âu. Tại hội nghị thượng đỉnh của NATO lần này, các lãnh đạo của tổ chức sẽ phê chuẩn kế hoạch triển khai hàng ngàn binh lính NATO và các trang thiết bị quân sự tới Đông Âu.
NATO cũng cho biết sẵn sàng thảo luận khả năng gia nhập khối của Ukraine tại hội nghị này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết: “Hội nghị cấp cao NATO lần này phải gửi đi một thông điệp thể hiện sự ủng hộ Ukraine. NATO có mối quan hệ đối tác với Ukraine hơn 20 năm qua. Lực lượng an ninh Ukraine cũng đã tham gia một số chiến dịch của NATO. Vì vậy hội nghị tại xứ Wales lần này chúng ta sẽ thể hiện sự ủng hộ đoàn kết với chủ quyền của Ukraine. NATO cần có các bước đi cụ thể để ủng hộ Ukraine”.
Tuy nhiên, kế hoạch tăng cường vai trò của NATO tại Đông Âu hoàn toàn không dễ dàng, khi sự khác biệt trong quan điểm giữa các nước thành viên sẽ làm suy yếu những sáng kiến nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và các mối đe dọa khác.
Các nước NATO đều lên tiếng phản đối động thái của Nga với Ukraine. Tuy nhiên, do những lợi ích khác nhau nên các nước cũng có những quan điểm khác nhau trong kế hoạch hành động chung đối phó với Nga.
Đông Âu cảm thấy bị đe dọa trực tiếp hơn nên có tuyên bố quyết tâm hành động hơn trong kế hoạch đối phó với Nga, trong khi nhiều nước khác trong NATO như Italia lại mong muốn “dịu giọng” hơn với Nga.
Bên cạnh tăng cường vai trò của khối nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, các nước thành viên NATO cũng phải “đau đầu” giải quyết những di sản để lại khi họ rút khỏi các chiến trường như Iraq hay Afghanistan.
Các nhà lãnh đạo NATO sẽ xem xét các kế hoạch ủng hộ chính phủ Afghanistan sau khi quân đội nước ngoài rút hầu hết quân ra khỏi quốc gia Nam Á này vào cuối năm 2014, đảm bảo các bước tiến đã đạt được và có những biện pháp ngăn chặn Afghanistan lại một lần nữa trở thành thiên đường an toàn cho chủ nghĩa khủng bố.
Mặc dù vậy, kế hoạch rút lực lượng chiến đấu vào cuối năm 2014 đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn đối với nước thành viên NATO khi bài học về cuộc chiến Iraq đang ngày càng rõ ràng hơn, với mối đe dọa nổi lên từ nhóm phiến quân nhà nước Hồi giáo Iraq.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến tận dụng hội nghị cấp cao NATO lần này để thuyết phục các quốc gia tham gia cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng cho biết tại Hội nghị NATO lần này sẽ xem xét các biện pháp quân sự nhằm vào nhóm phiến quân, trong khi Đức cũng thông báo vũ trang cho lực lượng người Kurd tại Iraq.
Đây là lần đầu tiên Đức gửi vũ khí tới cuộc xung đột kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, sẽ khó nhận được sự đồng thuận của toàn bộ 28 nước thành viên trong việc đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria tại hội nghị cấp cao lần này.
Chuyên gia phân tích chính trị thuộc Viện nghiên cứu hoàng gia Anh Jonathan Eyal nhận định:“Những gì có thể đạt được tại hội nghị này sẽ là một nỗ lực để đạt được sự đồng thuận trong các lĩnh vực quân sự nhằm giới hạn khả năng của nhóm phiến quân này. Đức đã thông báo sẽ bán vũ khí cho lực lượng đang cố gắng đối phó lại nhóm phiến quân. Mỹ, Anh có thể xem xét khả năng tham chiến trên không, trong khi Pháp cũng có thể tham gia. Tuy nhiên, đây sẽ là hoạt động phối hợp quốc gia hơn là một sự hợp tác chung NATO”.
Dư luận đang chờ đợi những quyết sách quan trọng tại Hội nghị cấp cao NATO lần này đối với những vấn đề an ninh khu vực và thế giới. Tuy nhiên, những chia rẽ cùng lợi ích cá nhân có thể sẽ khiến hội nghị 2 ngày kết thúc với kết quả khá "chung chung".
Giới quan sát cho rằng, NATO chỉ có sức mạnh nhất khi các nước thành viên đoàn kết trong một mục đích chung. Vai trò lãnh đạo bấy lâu nay của khối sẽ được thể hiện không chỉ bằng các cuộc đối thoại giữa các nước như Mỹ, Đức, mà còn phải là tiếng nói chung từ tất cả các quốc gia thành viên để tạo ra một sự đồng thuận có ý nghĩa./.