Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và phương Tây với Nga, Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm bớt, Hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng của NATO được cho là bước hoạch định chính sách chung trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối sẽ diễn ra vào ngày 14/6 tới.

Phát biểu trước thêm hội nghị, Tổng thư  ký NATO ông Jens Stoltenberg cho biết: “Các bộ trưởng đã thảo luận rất nhiều vấn đề, trong đó bao gồm cả Afghanistan, Belarus, Nga và Trung Quốc. Quan trọng nhất, các bộ trưởng đã thảo luận về việc NATO cần phải thay đổi để đáp ứng với kỷ nguyên cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng”.

Tại hội nghị, phía Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác liên minh để “củng cố sức mạnh của khối và tăng cường khả năng đối đầu với những thách thức mang tính hệ thống” từ Nga và Trung Quốc. Các bộ trưởng NATO cũng cho rằng khối này cần tăng cường hợp tác với Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Đối với Nga, Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana tuyên bố các nước thành viên hiệp ước cần công khai sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của các đồng minh trước mọi hành động của Moscow. Đối với Trung Quốc, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nhận định, mặc dù vẫn có những cơ hội đi kèm với sự trỗi dậy của Bắc Kinh, song việc này cũng mang lại “những thách thức nghiêm trọng”.

Phản ứng lại các động thái của NATO, giới chức Nga liên tục khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác công bằng và bình đẳng nhưng sẽ đáp trả các bước đi không thân thiện, đối thoại trên vị thế kẻ mạnh và can thiệp vào công việc nội bộ. 

Trong động thái mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 1/6 tuyên bố quân đội nước này sẽ thực hiện hàng nghìn cuộc tập trận cả trong và ngoài nước chỉ trong giai đoạn huấn luyện mùa hè.

“Chúng tôi đang lên kế hoạch thực hiện 4.000 cuộc tập trận và huấn luyện ở các cấp độ khác nhau. Mục đích của các cuộc tập trận này là nâng cao năng lực chiến đấu cá nhân và duy trì cường độ huấn luyện chiến đấu. Cuộc tập trận lớn nhất trong năm nay sẽ là tập trận chiến lược chung Nga-Belarus mang tên Phương Tây (Zapad) 2021”, ông Shoigu nói.

Các cuộc tập trận tại khu vực biên giới phía Tây và đặc biệt là Tập trận Phương Tây, trong đó giả định hai bên xảy ra xung đột quân đội Nga đủ sức triển khai một số lượng lớn binh sĩ trong một thời gian ngắn, luôn bị các nước NATO xem là động thái gây hấn và chuẩn bị cho chiến tranh của Moscow. Trước đó, giới chức quân sự Nga cũng tuyên bố để đối phó với hoạt động của NATO, đến cuối năm nay nước này sẽ thành lập 20 đơn vị quân sự mới tại quân khu phía Tây và cấp bổ khoảng 2.000 trang thiết bị quân sự. Nga cho rằng, hành động của các nước phương Tây đang phá hủy hệ thống an ninh toàn cầu, buộc Nga phải thực hiện các biện pháp đối phó thích hợp./.