Bên lề Hội nghị an ninh Munich, ngày 16/2, các Bộ trưởng Ngoại giao và quan chức cấp cao của các nước thành viên Ủy ban quốc tế về Libya nhóm họp nhằm thảo luận về những nỗ lực thúc đẩy hòa bình tại Libya. 

645x344_1581432619482_ebhr.jpg
Libya vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng kể từ chiến biến nhăm 2011.

Theo Phó Đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Libya Stephanie Williams, thỏa thuận ngày 19/1 của các nhà lãnh đạo ở Berlin (Đức) đã liên tục bị vi phạm. Tình hình chiến sự vẫn leo thang, trong khi các hoạt động cung cấp vũ khí cho các bên tham chiến vẫn tiếp diễn.

“Tình hình trên thực địa vẫn rất đáng lo ngại. Lệnh ngừng bắn thì rất mong manh khi bị vi phạm tới hơn 150 lần. Và hậu quả là chính người dân Libya phải gánh chịu. Tình hình kinh tế tiếp tục đi xuống và thậm chí ngày càng tồi tệ hơn do các lệnh phong tỏa về dầu mỏ và khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng”, ông Stephanie Williams nói.

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng.

Kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Berlin, các phe phái đối lập tại Libya tiếp tục gặp nhau ở Geneva, Thụy Sĩ, trong một nỗ lực do Liên Hợp Quốc dẫn đầu nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài. Vòng đàm phán đầu tiên đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào và vòng thứ 2 dự kiến vào tuần tới.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi giữa tuần đã thông qua lộ trình 55 điểm để chấm dứt xung đột tại Libya và lên án sự gia tăng bạo lực gần đây tại quốc gia Bắc Phi nhiều dầu mỏ này. Trong khi đó, các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu ngày mai cũng dự kiến nhóm họp để thảo luận về tình hình Libya, cũng như các nỗ lực nhằm ngăn chặn nguồn cung vũ khí cho các bên tham chiến./.