Cơ quan Nghị viện của Hội đồng châu Âu, thiết chế độc lập với Liên minh châu Âu, ngày 24/6 đã bỏ phiếu gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga và cho phép phái đoàn Nga trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2014, sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Với 118 phiếu thuận so với 62 phiếu chống, Cơ quan Nghị viện của Hội đồng châu Âu tối ngày 24/6 đã quyết định gỡ bở các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong phiên họp toàn thể của tổ chức này tại thành phố Strasbourg của Pháp.

nghi_vien_ehcx.jpg
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, Amelie De Montchalin, cho rằng việc đưa phái đoàn Nga trở lại không liên quan đến các vấn đề địa chính trị (Ảnh: Europe1)

Quyết định này cho phép phái đoàn nghị viện Nga được trở lại hoạt động bình thường với đầy đủ tư cách thành viên giống như 47 phái đoàn nghị viện của các nước châu Âu khác.

Đây cũng là thiết chế đầu tiên tại châu Âu gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, Hội đồng châu Âu này là thiết chế độc lập với Liên minh châu Âu, được thành lập từ năm 1949, có trụ sở tại thành phố Strasbourg của Pháp và quy tụ tất cả các nước châu Âu, kể cả các quốc gia nằm ngoài Liên minh châu Âu.

Chức năng chính của thiết chế này là bảo vệ nhân quyền và nhà nước pháp quyền, trong đó vai trò nổi bật nhất của thiết chế này được thực hiện thông qua Toà án nhân quyền châu Âu.

Trong quyết định gỡ bỏ lệnh trừng phạt và cho phép phái đoàn nghị viện Nga trở lại, phe ủng hộ Nga cho rằng việc khôi phục tư cách thành viên đầy đủ của Nga sẽ giúp các công dân Nga được bảo vệ tốt hơn.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, Amelie De Montchalin, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, cũng cho rằng việc đưa phái đoàn Nga trở lại không liên quan đến các vấn đề địa chính trị.

Sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, Nga cũng từng đe doạ sẽ từ bỏ thiết chế này, đồng thời đã ngưng tất cả các khoản đóng góp tài chính hàng năm./.