Hôm nay (30/11), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến bỏ phiếu về việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân thứ 5, cũng là vụ thử hạt nhân lớn nhất của nước này tiến hành hồi tháng 9 vừa qua.

hoi_dong_bao_an_rykv.jpg
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: CFR.

Ngày hôm qua (29/11) Trung Quốc, nước lâu nay vẫn bị cho là nương tay trong các lệnh trừng phạt Triều Tiên cũng đã bày tỏ hy vọng các biện pháp mới sẽ là một thông điệp “rõ ràng” đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Dự thảo nghị quyết về các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên là do Mỹ thúc đẩy sau hơn 2 tháng làm việc với Trung Quốc, nước hậu thuẫn lớn nhất về mặt kinh tế và ngoại giao cho Triều Tiên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Các nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết, 5 ủy viên thường trực có quyền bỏ phiếu phủ quyết gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp đều đã nhất trí với các biện pháp trừng phạt mới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, Trung Quốc hy vọng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gửi một thông điệp “rõ ràng và đoàn kết” trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Về quan điểm của Trung Quốc, ông nêu rõ: “Trung Quốc ủng hộ việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thêm phản ứng về vụ thử hạt nhân thứ 5 của Triều Tiên. Trong khi đó, chúng tôi cho rằng một phản ứng rõ ràng nhằm vào hoạt động hạt nhân của Triều Tiên không nên tổn hại tới dân thường hay những hoạt động nhân đạo và nhu cầu phát triển.”

Các biện pháp trừng phạt mới có thể cắt giảm tổng cộng 800 triệu USD nguồn thu từ xuất khẩu khoáng sản của Triều Tiên, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận của nước này đối với các đồng tiền mạnh và ít biến động để sử dụng cho các chương trình chế tạo tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.

Dự thảo nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chủ yếu nhằm vào ngành xuất khẩu than của Triều Tiên. Đây là một trong những nguồn thu ngoại tệ duy nhất và đem lại nguồn thu lớn nhất cho Triều Tiên. Ngoài ra, dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng có thể sẽ cấm hoạt động xuất khẩu đồng, nikel, bạc và kẽm của Triều Tiên. Theo giới chức Mỹ, tổng kim ngạch xuất khẩu các kim loại này của Triều Tiên đạt khoảng 100 triệu USD mỗi năm.

Mỹ và phương Tây cho rằng Trung Quốc hiện là nước duy nhất mua than của Triều Tiên. Trong vòng 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập 18,6 triệu tấn than từ Triều Tiên, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp việc trước đó Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân thứ tư của nước này hồi đầu năm.

Theo dự thảo nghị quyết trừng phạt mới lần này, Trung Quốc sẽ giảm 60% lượng than nhập khẩu từ Triều Tiên, tương đương với khoảng 700 triệu USD. Dự thảo này sẽ giới hạn toàn bộ xuất khẩu than của Triều Tiên mỗi năm ở mức 400,9 triệu USD, tương đương với 7,5 triệu tấn, bắt đầu từ ngày 1/1/2017./.