Được đánh giá là một vòng đàm phán quan trọng hướng đến một giải pháp chính trị chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria, nhưng giới phân tích cũng bày tỏ không mấy lạc quan về triển vọng của các cuộc đối thoại lần này, trong bối cảnh bạo lực không ngừng gia tăng và Syria tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội gây tranh cãi.

syria_tgbk.jpg
Quân đội Syria nã pháo vào vị trí của phe đối lập. Ảnh AP

Đây là vòng đàm phán thứ 2 sau khi vòng đàm phán thứ nhất kết thúc ngày 24/3 vừa qua nhưng không đạt được bất kì kết quả cụ thể nào. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, các vòng đàm phán này là phép thử mức độ chân thành của các bên hướng đến bàn đàm phán.

Trong khi đó Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết, vòng đàm phán này đặc biệt quan trọng khi các bên  tập trung vào quá trình chuyển giao chính trị và các nguyên tắc hiến pháp tại Syria.

Triển vọng của các cuộc đối thoại hòa bình Syria lần này đang bị lu mờ bởi các cuộc giao tranh gần đây giữa quân đội Chính phủ và các nhóm vũ trang xung quanh thành phố chiến lược Aleppo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực gia tăng gần đây và cáo buộc cả hai bên đều vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahia cũng nhấn mạnh, Iran ủng hộ những nỗ lực của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria. Tuy nhiên, những bước tiến này đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực tại Syria.

Ông Abdollahia cho biết: “Chúng tôi bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực gia tăng gần đây. Trong những ngày qua chúng ta chứng kiến những hành động vô trách nhiệm của các nhóm vũ trang cũng như các vụ vi phạm ngừng bắn liên tục tại Syria. Điều này rất đáng lo ngại và có thể hủy hoại tiến trình chính trị tại Syria".

Pháp cũng cảnh báo, các vụ giao tranh có thể khiến thỏa thuận ngừng bắn đang được thực hiện tại Syria sụp đổ.

Cùng ngày, Chính phủ Syria tổ chức bầu cử Quốc hội mà lực lượng đối lập nhiều lần lên tiếng phản đối. Các cuộc bỏ phiếu sẽ chỉ diễn ra tại những khu vực do Chính phủ kiểm soát.

Chính phủ Syria cho rằng, cuộc bỏ phiếu là hợp hiến và không liên quan đến các cuộc đối thoại đang diễn ra tại Geneva. Tuy nhiên, lực lượng đối lập cho rằng, cuộc bỏ phiếu này gây tác động không tốt đến bầu không khí tích cực của các cuộc đàm phán.

Các nước liên quan cũng có quan điểm trái ngược về cuộc bầu cử, khi Nga cho rằng các cuộc bỏ phiếu phù hợp với Hiến pháp và không đi ngược tiến trình đối thoại hòa bình Syria. Tổng thống Pháp Francois Hollande thì cho rằng việc chính phủ Syria tổ chức bầu cử là hành động “ khiêu khích và không thực tế”.

Bất đồng xung quanh nội dung đàm phán cũng khiến các bên không mấy lạc quan vào kết quả vòng đối thoại lần này. Liên Hợp Quốc cho biết, vòng đàm phán sẽ tập trung vào quá trình chuyển giao chính trị tại Syria.  

Khác biệt lớn nhất hiện nay trong các cuộc đàm phán hòa bình Syria là vấn đề tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Các phe nhóm đối lập đòi ông Assad phải rời bỏ quyền lực trước khi đồng ý về việc thành lập một chính phủ quá độ.

Trong khi đó, chính quyền Syria luôn khẳng định sẽ không bàn về tương lai của Tổng thống Assad. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Mistura đang ở thăm Iran  hôm qua, hối thúc nước này sử dụng ảnh hưởng để thúc đẩy giải pháp cho Syria.

Ông Mistura cho biết: “Chúng tôi nhất trí rằng điều quan trọng đó là phải dừng các hoạt động thù địch và thúc đẩy hoạt động nhân đạo tại Syria, đặc biệt tại những khu vực đang bị kiểm soát. Thúc đẩy tiến trình chính trị hướng đến một quá trình chuyển giao chính trị là rất khẩn cấp.

Tôi nghĩ rất quan trọng để chúng tôi tham vấn với chính quyền Iran, bởi vì nước này có ảnh hưởng lớn đến Syria cũng như có đóng góp ý kiến quan trọng cho các cuộc đối thoại tương lai”.

Ông Boris Dolgov, Chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu các vấn đề Arab và Hồi giáo của Nga cũng cho rằng, bản thân lực lượng đối lập Syria cũng thiếu sự đoàn kết, đe dọa khả năng đạt được bước đột phá trong vòng đối thoại.

Nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, Nga thông báo ngày mai sẽ rút hầu hết máy bay chiến đấu đang thực hiện chiến dịch không kích tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ra khỏi Syria./.