Đáp lại, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - nhóm đối lập chính của Syria, đã hủy cuộc gặp chiều qua với Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura và đe dọa rút khỏi cuộc đàm phán này.

syria_yddu.jpg
Quang cảnh một cuộc đàm phán về hòa bình cho Syria tại Geneva. Ảnh EPA
Trong một thông cáo tối qua, phe đối lập Syria cho biết, họ không thể tiếp tục đàm phán thông qua Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc khi Chính phủ Syria và Nga vẫn tiến hành các hoạt động quân sự.

Người phát ngôn của phái đoàn đối lập Salem al-Meslet nêu rõ, điều kiện để họ ngồi vào bàn đàm phán là Nga và quân đội Chính phủ Syria phải ngừng bao vây, thả tù nhân và chấm dứt không kích nhắm vào thường dân.

Nếu đến cuối tuần này những yêu cầu của phe đối lập không được đáp ứng, họ sẽ chính thức rời khỏi Geneva khi còn chưa thực sự ngồi vào bàn đàm phán gián tiếp với Chính phủ Syria.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho rằng, việc đưa ra điều kiện tiên quyết cho cuộc hòa đàm này đã cho thấy thái độ bất hợp tác, không mang tính xây dựng của phe đối lập.

Trong khi đó, sau cuộc gặp với Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Mistura sáng 2/2, phái đoàn đàm phán của Chính phủ Syria cho biết, họ vẫn đang ở trong “giai đoạn chuẩn bị” mà không biết tên của các nhóm trong danh sách phe đối lập cũng như không biết chính xác 2 bên sẽ thương thảo những vấn đề gì.

Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc kiêm Trưởng phái đoàn đàm phán Syria, ông Bashar al-Jaafari cho biết: “Phe đối lập đang hành xử theo tác phong không chuyên nghiệp và thiếu tính ngoại giao. Chúng tôi đã nhấn mạnh rằng vòng đối thoại này nên diễn ra theo Nghị quyết 2254 của Liên Hợp Quốc.

Đây là cuộc đối thoại giữa người Syria với nhau và nên được quyết định bởi chính người Syria. Không nên có bất cứ điều kiện tiên quyết nào cho cuộc đối thoại này và cũng không nên có sự can thiệp từ bên ngoài”.

Dù muốn hay không thì không thể né tránh một thực tế là tình hình trên chiến trường phần nào tác động, thậm chí có thể là yếu tố xoay chuyển bất cứ cuộc đàm phán hòa bình nào. Vì thế, với việc kiểm soát diện tích lãnh thổ lớn gấp đôi phe đối lập, Chính phủ Syria được cho là có sức nặng hơn trong cuộc đàm phán này.

Nhà phân tích chính trị Syria Sarikis Kassargian nhận định: “Tiến độ của cuộc chiến sẽ cho mỗi bên cái để trao đổi. Một bên đang nắm giữ 50% diện tích lãnh thổ  không thể cạnh tranh với một bên đang nắm giữ 75% đến 80% diện tích lãnh thổ.

Vì thế tôi nghĩ rằng diện tích đất thuộc quyền kiểm soát của mỗi bên là điều lớn nhất mà họ có thể đưa ra thương lượng tại bàn đàm phán hòa bình. Sự tiến bộ của quân đội Syria có thể đem lại cho họ nhiều lợi thế đàm phán hơn”.

Trong khi đó, quân đội Chính phủ Syria ngày 2/2 đã giành lại một thị trấn chủ chốt ở phía Bắc tỉnh Aleppo, tiến đến 2 thị trấn khác là Nubul và Zahra bị các nhóm vũ trang đối lập vây hãm hơn 1 năm qua. Quân đội Syria cũng đã giành lại thị trấn Salma, Rabiah, thành trì của phe đối lập ở miền Bắc Latakia, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trả lời phỏng vấn BBC, Đặc phái viên Mistura đã phải thừa nhận, cuộc đàm phán này đang gặp những khó khăn ngày càng lớn vì giữa 2 bên gần như không tồn tại lòng tin.

Trong khi đó, một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, sẽ tốt hơn nếu Chính phủ Syria có động thái nhượng bộ trước ở lĩnh vực nhân đạo, dỡ bỏ bao vây phong tỏa để viện trợ có thể tiếp cận được những khu vực mà quân đội kiểm soát.

Tuy nhiên, đến nay phía Chính phủ Syria vẫn không chấp nhận đàm phán về vấn đề nhân đạo “trước khi hòa đàm thực sự bắt đầu”. Giới quan sát nhận định, từ nay đến cuối tuần là giai đoạn quan trọng quyết định thành – bại của cuộc hòa đàm Syria lần này./.