Mỹ “dỗ ngọt” Iran

Trong bối cảnh gần tới thời hạn chót đạt một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân giữa Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran, ngày 20/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi giới chức lãnh đạo và người dân nước Cộng hòa Hồi giáo này cần nắm bắt “cơ hội lịch sử” để hướng tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện cũng như tái thiết lập mối quan hệ giữa hai nước.

obama_sbfu.jpgTổng thống Obama: "Mỹ và Iran đang đứng trước cơ hội tốt nhất theo đuổi tương lai khác cho quan hệ 2 nước" (Ảnh: AP)
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Obama nhấn mạnh cả Mỹ và Iran đang đứng trước một “cơ hội tốt nhất” trong nhiều thập kỷ qua để có thể “theo đuổi một tương lai khác” giữa hai nước.

Mặc dù thừa nhận hai bên vẫn còn những khác biệt dù các cuộc đàm phán giữa Nhóm P5+1 và Iran gần đây đã đạt được một số tiến triển, song ông chủ Nhà Trắng bày tỏ tin tưởng đây là thời điểm để các bên có thể giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran trong hòa bình thông qua việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, một thỏa thuận hạt nhân sẽ mở ra một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn thể người dân Iran, những người được thừa hưởng một nền văn minh vĩ đại và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều đóng góp tích cực cho thế giới.

Thông điệp của Tổng thống Obama được gửi đi trong bối cảnh Chính quyền Washington đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ phía Quốc hội Mỹ khi ngày càng có nhiều nghị sỹ đòi có tiếng nói trong thỏa thuận với Iran. Không những thế,tuyên bố về một “tương lai mới” trong quan hệ Mỹ - Iran còn vấp phải sự phản kháng của Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông. Vì chuyện này, quan hệ giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu chính thức “đóng băng”.

Nga, Iran vẫn bắt tay khăng khít

Theo Diplomat, giai đoạn Liên Xô tan rã là bước ngoặt quan trọng, mở ra mối quan hệ khăng khít giữa Iran và Nga. Mối quan hệ Nga-Iran ngày càng được cải thiện dựa trên những lợi ích địa chiến lược chung. Đầu tiên và trên hết là lợi ích chung trong mong muốn kìm hãm ảnh hưởng của Mỹ, đặc biệt là ở những nước trong khu vực Kavkaz và Trung Á.

Ngoài lợi ích địa chiến lược, Moscow cùng Tehran còn cùng nhau chia sẻ nỗi lo chung về các phong trào Hồi giáo Sunni, al-Qaeda và Taliban cũng như chủ nghĩa ly khai và các rào cản về hợp tác kinh tế giữa 2 nước.

Cuối cùng là mối quan hệ “đối phó” với Mỹ. Việc chính quyền Obama tuyên bố rõ rằng một mặt muốn cải thiện mối quan hệ với Iran, mặt khác tiếp tục cải thiện mối quan hệ với Nga để người Nga “giúp chúng tôi về Iran”, khiến cả Moscow và Tehran đều phải ngẫm nghĩ họ sẽ bị “mất mát” gì cho Washington.

Căng thẳng trên bàn đàm phán hat nhân Iran và P5+1 ngày 29/3 (ảnh: Reuters)
Thực tế Moscow không lo ngại về viễn cảnh Iran sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ, các đồng minh phương Tây, Arab và Israel. Nga cũng nhận thấy họ không thể tác động đối với Iran về vấn đề này nên không bao giờ có suy nghĩ sẽ gây áp lực với Tehran trong vấn đề hạt nhân. Theo quan điểm của Nga, áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ gây ra nhiều nguy cơ lớn cho chính Nga. Bởi việc Nga hợp tác với phương Tây trong vấn đề Iran không đồng nghĩa với là Trung Quốc sẽ làm vậy. Và nếu điều đó xảy ra, Tehran sẽ tuột khỏi tay Moscow và nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh.

>> Xem thêm: Nga, Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ chưa từng thấy

Quan hệ thực dụng Trung Quốc - Iran

Mối lợi kinh tế thúc đẩy quan hệ của Trung Quốc đối với Iran và ở chiều ngược lại sự “đứng về phía Tehran” trên các diễn đàn quốc tế là động cơ để Iran ngả về Trung Quốc. Bởi thế, Bắc Kinh cũng như Moscow luôn có quan điểm rõ ràng thiên về Tehran trong đàm phán hạt nhân, có “phản ứng” hay “gây áp lực” thì cũng chỉ là những động thái yếu ớt.

Trong bối cảnh thời hạn chót 31/3 cho thỏa thuận khung về hiệp định hạt nhân Iran đã cận kề, phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 29/3 lên tiếng kêu gọi tất cả các bên tham gia đàm phán nắm bắt cơ hội và giải quyết vấn đề thông qua đàm phán ngoại giao.

Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Vương Dân khẳng định, quan điểm của Bắc Kinh là lệnh trừng phạt không phải là mục đích của các nghị quyết mà HĐBA thông qua. Ông nhận định còn nhiều khó khăn trong các vòng đàm phán, tuy nhiên việc đạt được một thỏa thuận toàn diện đúng thời hạn là điều mong muốn của cộng đồng thế giới, vì lợi ích chung và dài hạn của tất cả các bên.

Theo quan chức ngoại giao Trung Quốc, giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran thông qua đàm phán sẽ bảo đảm hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, đóng góp vào hòa bình Trung Đông và góp thêm kinh nghiệm hữu ích về giải quyết các điểm nóng thông qua đàm phán. Phó Đại diện Vương Dân khẳng định các vòng đàm phán đã đạt đến điểm then chốt và các bên cần nắm bắt cơ hội.

Rốt cuộc, Iran vẫn có quyết định của riêng mình

Nụ cười của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trước khi bước vào vòng đàm phán với P5+1 (ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh Nga - Trung - Mỹ đều có những lợi ích khác nhau trong quan hệ với Iran và dường như có phần xung đột với nhau trên bàn đàm phán, điều này đã dẫn đến một diễn biến bất ngờ hôm 30/3, Iran đã tranh thủ nắm lấy, tận dụng để làm lợi thế cho mình. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã đưa ra một tuyên bố khiến các nước “sững người” rằng Tehran vẫn không có ý định chuyển giao uranium đã làm giàu ra nước ngoài.

Tuyên bố này là một sự thay đổi bất ngờ của Iran và có thể khiến tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này sẽ căng thẳng tới tận phút chót. Vài giờ trước khi bước vào các cuộc đàm phán then chốt, phía Iran đã thể  hiện lập trường khá cứng rắn và đẩy thỏa thuận khung vào ngày cuối cùng theo dự kiến (31/3) trở nên khá mơ hồ./.