Ukraine tha thiết mời chào thử nghiệm vũ khí đối với quân Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov vừa hối thúc các đối tác Mỹ và quốc tế tiếp tục gửi các loại vũ khí hiện đại tới quốc gia Đông Âu này. Ông Reznikov gọi chiến trường Ukraine là “nơi thử nghiệm” đầy giá trị cho các vũ khí mới.

Bộ trưởng Reznikov hôm 19/7 nói rằng quyết tâm phòng thủ của Ukraine trước cuộc tấn công của Nga đã cho thấy các lực lượng của Kiev đủ khả năng làm chủ các vũ khí hiện đại nhất và có sức công phá mạnh nhất mà các nước NATO vừa viện trợ cho Ukraine.

Theo ông Reznikov, các vũ khí này bao gồm hệ thống pháo phản lực cơ động HIMARS do Mỹ sản xuất mà phía Ukraine cho là đã góp phần ổn định tiền tuyến ở phía Đông và Nam trong các tuần gần đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov phát biểu như sau tại một sự kiện trực tuyến của Hội đồng Đại Tây Dương: “Ukraine hiện giờ thực chất là một bãi thử nghiệm. Nhiều vũ khí đang được thử nghiệm ở chiến trường này trong điều kiện thực chiến chống lại quân đội Nga – một lực lượng sở hữu nhiều hệ thống cảnh báo”.

Ông Reznikov cho biết, Kiev đang chia sẻ với các đối tác quốc tế các chi tiết về tác chiến điện tử, tình báo tín hiệu, phòng không, công nghệ tên lửa và nhiều thứ nữa của Nga.

“Chúng tôi đang chia sẻ tất cả thông tin và kinh nghiệm với các đối tác của mình. Chúng tôi quan tâm đến việc thử nghiệm các hệ thống hiện đại trong cuộc chiến với kẻ thù, và chúng tôi đang mời các nhà sản xuất vũ khí thử nghiệm các sản phẩm mới tại đây”.

Người đứng đầu ngành quốc phòng Ukraine lưu ý: “Trong số các vũ khí do nước ngoài sản xuất, chúng tôi sử dụng đáng kể các khẩu pháo của Mỹ, Pháp và Ba Lan cũng như UAV của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là cơ hội tốt để họ thử vũ khí”.

“Hãy trao cho chúng tôi các vũ khí, chúng tôi sẽ hoàn thành công việc thử nghiệm, còn quý vị sẽ có được thông tin mới từ đó”.

Theo quan chức Reznikov, Ukraine cần một loạt các hệ thống vũ khí mới. Ukraine cần các hệ thống phòng không để hạn chế các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, và cần pháo tầm xa, máy bay, xe tăng cùng các loại phương tiện khác để thực hiện phản công.

Mong thay đổi cục diện chiến trường bằng vũ khí tiên tiến của Mỹ

Vị bộ trưởng này bổ sung rằng Ukraine cũng cần thêm tên lửa diệt hạm để quấy nhiễu các chiến hạm Nga ở Biển Đen.

Theo ông Reznikov, các khẩu pháo chính xác tầm xa của phương Tây đã giúp làm chậm đà tiến của quân Nga ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine và phá hủy các trung tâm hậu cần và chỉ huy tại đây.

Bộ trưởng Reznikov cho rằng càng nhận được vũ khí sớm thì Ukraine càng giảm được tổn thất trong các cuộc phản công.

Hiện nay sự chú ý đang dồn vào tỉnh Kherson ở miền Nam Ukraine, nơi quân đội Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn.

Vẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov: “Điện Kremlin không kiểm soát được miền Nam Ukraine, nhưng để chúng tôi giải phóng được nơi này, chúng tôi cần tích lũy thêm vũ khí”.

Theo đánh giá của ông Reznikov, 8 hệ thống HIMARS được gửi Ukraine đã phát huy tác dụng rõ rệt. Mỹ đã cam kết gửi thêm 4 hệ thống nữa. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng Kiev sẽ nhận thêm một số hệ thống, với số lượng chưa được cụ thể hóa.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov đánh giá HIMARS là vũ khí chính xác giống như dao mổ của bác sĩ phẫu thuật.

Theo ông Reznikov, Ukraine cần tối thiểu 15 hệ thống HIMARS để ổn định tình hình tiền tuyến vào lúc này và ít nhất 100 hệ thống như vậy để “thay đổi cục diện chiến trường” và hỗ trợ phản công thành công.

Cho tới nay, Mỹ mới cấp cho Ukraine các rocket HIMARS có tầm bắn hơn 80km. Mỹ từ chối cấp các loại rocket tiên tiến hơn, với tầm bắn từ 145-290km do lo sợ Nga có thể leo thang thêm căng thẳng.

Ông Reznikov tuyên bố, phía Nga vừa qua đã phải lùi các cơ sở hậu cần và trung tâm chỉ huy sâu hơn về phía hậu phương.

Đệ nhất phu nhân Ukraine cũng vào cuộc

Trong khi đó Đệ nhất phu nhân Ukraine, Olena Zelenska, hôm 19/7 đã kêu gọi giới lập pháp Mỹ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine trong cuộc đối đầu quân sự với Nga. Bà đặc biệt kêu gọi viện trợ thêm các hệ thống phòng thủ đánh chặn tên lửa đối phương.

Bà Zelenska cho rằng, vũ khí Mỹ sẽ giúp ngăn chiến dịch tiến công của Nga.

Các nghị sĩ Mỹ đã phản ứng tích cực trước lời kêu gọi trên. Những tràng pháo tay vang lên khi bà Zelenska kết thúc diễn văn.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho rằng cần có thêm một gói viện trợ các vũ khí hiện đại cho Ukraine.

Ngoài phát biểu trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ, phu nhân Tổng thống Ukraine còn tới Nhà Trắng gặp vợ chồng Tổng thống Mỹ Biden.

Tổng thống Ukraine Zelensky thì bày tỏ hy vọng chuyến thăm Mỹ của vợ ông sẽ mang những “kết quả đáng kể”.

Kể từ chiến sự Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022, Mỹ đã cung cấp viện trợ an ninh trị giá 8 tỷ USD cho Nga, theo chính quyền của Tổng thống Biden./.