Với các bạn tuổi Teen, Eat-Clean có phải là chìa khóa tuyệt đối giúp các bạn giữ được vóc dáng? Áp dụng Eat-Clean như thế nào vừa khoa học, linh hoạt lại phù hợp với bản thân? TS.BS Phan Bích Nga, Trưởng Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn trong chương trình Hành trang trẻ.
Hiểu đúng thế nào là Eat-Clean?
Eat-Clean có nghĩa là một chế độ ăn sạch và sống khỏe, tức là ăn những thức ăn dưới dạng nguyên thủy nhất, ít chế biến nhất, ăn những nguyên liệu cơ bản và tự nhiên, không sử dụng các chất bảo quản chất tạo màu, tối giản quá trình chế biến và hạn chế đưa gia vị vào để cảm nhận được hương vị tự nhiên nhất.
Eat-Clean không phải là chế độ ăn kiêng
Chúng ta cần phải phân biệt giữa khái niệm về Eat-Clean hay là Healthy Life với một chế độ ăn kiêng. Khi ăn kiêng, chúng ta phải tuân thủ theo những nguyên tắc khắt khe, giới hạn trong một số nhóm thực phẩm, giới hạn bởi những cách chế biến.
Còn Eat-Clean vẫn là một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, là một xu hướng lâu dài và không có quá nhiều yêu cầu, chủ yếu để thay đổi lối sống theo hướng tích cực. Eat-Clean không phải là một chế độ ăn kiêng khắt khe. “Chúng ta không nhất thiết phải lên kế hoạch trước và đếm xem một ngày chỉ được ăn bao nhiêu calo, không phải căng thẳng chúng ta chỉ được ăn những thức ăn này không được ăn những thức ăn khác. Cảm thấy như bị stress khi đã trót ăn một món ăn ngoài kế hoạch” Đây là những suy nghĩ hoàn toàn không nên.
Học công thức Eat-Clean trên mạng xã hội: Cần cân nhắc
Xét về góc độ về chuyên môn, theo TS.BS Phan Bích Nga, có nhiều công thức trên mạng xã hội thậm chí còn đi ngược lại với cả những kiến thức về dinh dưỡng vốn là những nguyên tắc tốt cho sức khỏe hoặc đảm bảo sự tăng trưởng.
Không phải mọi thông tin trên các trang mạng xã hội đều đúng mà các bạn trẻ cần phải tìm hiểu những nguồn thông tin chính thống, điều này rất quan trọng. “Có rất nhiều người cho rằng không nên ăn thịt đỏ, hoàn toàn không nên ăn đạm động vật, không nên ăn các loại chất béo, không nên ăn tinh bột, chỉ ăn rau trái cây thôi, thực ra điều đấy là hoàn toàn không đúng.”- TS.BS Phan Bích Nga nhấn mạnh.
Các bạn trẻ hiện nay rất thông minh, nhanh nhạy và áp dụng các thông tin mới trên mạng cũng rất nhanh. Nhưng chúng ta cần phải cân nhắc để tránh tình trạng lấy thông tin từ những luồng tin không chính thống của những người không phải là các chuyên gia trong ngành. Như vậy sẽ dễ bị mất cân đối về dinh dưỡng cho cơ thể.
Tuổi Teen: áp dụng Eat-Clean tốt nhưng…
Eat-Clean là chế độ ăn tập trung vào việc lựa chọn những thực phẩm sạch và những thực phẩm nguyên chất. Nếu được áp dụng đúng cách thì nó sẽ phù hợp với cả mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên áp dụng Eat-Clean để giảm cân ở lứa tuổi teen hoàn toàn không phải là đơn giản. Vì đây là giai đoạn đang phát triển rất quan trọng về thể chất. Nếu giảm cân không đúng cách hoặc là chế độ ăn uống quá kiêng khem sẽ gây ra thiếu chất dinh dưỡng cần thiết và đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng.
Thế nào là một chế độ Eat-Clean đảm bảo khoa học và phù hợp với lứa tuổi
Đầu tiên phải chọn những thực phẩm tự nhiên và tươi. Ví dụ cá hồi nếu không đảm bảo độ tươi và vệ sinh thì cũng không nên ăn vì có nguy cơ về số loạn tiêu hóa, rất nguy hiểm.
Ưu tiên chế biến đơn giản, nấu vừa chín tới, hạn chế những việc thêm những gia vị, ưu tiên những gia vị tự nhiên.
Nếu chọn tinh bột, không nên chọn những loại gạo xay xát kỹ, quá trắng này vì bị mất hết vitamin B1; nên chọn những loại thực phẩm nguyên cám như yến mạch, gạo lứt. Tuy nhiên, với những bạn đang gầy, không nên ăn gạo lứt.
Ưu tiên đạm động vật như cá, tôm, thịt gà, thịt lợn, thịt bò… nên chia đều ra trong tuần và ưu tiên ăn cá.
Kết hợp với các loại rau tươi và trái cây để cung cấp các chất xơ, vitamin, khoáng chất.
Uống đủ nước, khoảng 2 lít/ ngày. Nước ở đây bao gồm cả nước lọc, canh, súp…
Tránh xa những thực phẩm chế biến sẵn, các loại bánh ngọt, hạn chế tối đa những chất béo không lành mạnh ví dụ như là đường, bơ, đồ uống có chất kích thích.
Cần phải kết hợp chế độ ăn Eat-Clean với tập thể dục để tăng sức khỏe và tăng khả năng miễn dịch, chống chọi lại với các tác nhân gây bệnh./.