Có 3 tuyến xe buýt có số lượng khách ổn định nhất trong hệ thống xe buýt trợ giá thành phố Đà Nẵnghiện nay là tuyến R16, chặng Kim Liên, quận Liên Chiểu đi trường Cao đẳng Việt Hàn, quận Ngũ Hành Sơn; Tuyến R17A và tuyến R4A, từ cảng Sông Hàn đi Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang và đi xã Hòa Tiến. Thế nhưng, mỗi chuyến xe chạy từ khi xuất phát đến kết thúc chặng đường chỉ lác đác vài khách. Lúc đông nhất là 10 khách, còn lại xe hầu như chạy không.
Anh Nguyễn Thanh Hoàng, lái xe tuyến R4A, từ cảng Sông Hàn đi xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang lo lắng: "Yếu lắm, khách ít lắm. Ở đây lên Hòa Tiến (Hòa Vang) 1 ngày 9 chuyến, 6 giờ xuất phát 2 đầu, tới 7 giờ đóng tuyến. Khách nói chung cỡ 5, 3 người là thấy nhiều rồi. Người dân thành phố đây họ ít đi xe buýt lắm, họ đi xe máy tiện hơn nhiều. Xe buýt nếu chạy như trước dịch thì thu nhập ổn định, tháng chạy đủ công được 10 triệu đồng nhưng giờ tháng chạy nửa công, tháng chạy 15 ngày".
Dù các tuyến xe buýt trợ giá đều đi qua những khu dân cư đông đúc, khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng nhưng đều vắng khách. Xe chỉ đông người khi đi ngang qua một số điểm trường vào giờ tan tầm và chủ yếu là học sinh, sinh viên. Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, đối tượng này cũng vắng dần.
Em Lê Phi, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Liên Chiểu cho biết, hàng ngày, ngoài giờ học chính thì em thường chọn xe buýt để đi học thêm từ quận Liên Chiểu xuống trung tâm thành phố. Lê Phi cho biết thêm, trước đây, khoảng 10 đến 15 phút thì có 1 chuyến còn bây giờ phải chờ từ 30 phút đến 45 phút mới có chuyến đi, chờ đợi quá lâu nhiều người không còn đi xe buýt nữa.
"Thường thường 2 giờ em sẽ học nên 1 giờ em bắt đầu ngồi đợi. Có lúc nửa tiếng, có lúc 45 phút làm trễ thời gian của em. Nhiều lúc em chỉ muốn cho xe bút đúng giờ là 15 phút/1 chuyến chứ còn 30 phút lâu qúa', Lê Phi cho biết.
Cuối năm 2016, UBND thành phố Đà Nẵng ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 (thành phố Hà Nội) triển khai 5 tuyến xe buýt có trợ giá. Năm 2019 tiếp tục đưa thêm 6 tuyến xe buýt trợ giá vào hoạt động, nâng tổng số lên 11 tuyến xe buýt. Như vậy, đến năm 2021, mạng lưới xe buýt trợ giá của thành phố có 11 tuyến với 147 xe loại 40 chỗ ngồi.
Tổng số tiền trợ giá thanh toán từ ngân sách thành phố cho các tuyến xe buýt từ tháng 01/2017 đến tháng 5/2022 gần 138 tỷ đồng, trung bình hơn 2 tỷ đồng/1 tháng. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của xe buýt không như mong muốn. Hiện, chỉ còn 4 tuyến xe buýt trợ giá với 26 đang hoạt động. Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Đà Nẵng, nguyên nhân của tình trạng này do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến người dân và học sinh còn e dè khi đi phương tiện công cộng.
Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng, đơn vị được Sở GTVT thành phố Đà Nẵng giao quản lý xe buýt trợ giá cho biết, đơn vị đang tham mưu một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của xe buýt trợ giá.
Trước mắt, là điều chỉnh lộ trình đối với một số tuyến có hướng tuyến chưa phù hợp, tối ưu lộ trình; tăng khả năng tiếp cận với nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng xe buýt như sinh viên, học sinh, khách du lịch, người lao động ngoài khu vực trung tâm thành phố…
Ngành Giao thông - Vận tải thành phố sẽ tăng cường kết nối các tuyến xe buýt với nhau, kết nối với đầu mối vận tải chính như bến xe trung tâm, cảng hàng không, ga tàu; đầu tư nâng cấp hệ thống nhà chờ tiện lợi, phù hợp với mỹ quan đô thị và điều kiện thời tiết.
Sắp tới, xe buýt trợ giá sẽ triển khai hệ thống vé QRcode ETicket dành cho vé tháng. Người dân chỉ cần ở nhà, lên mạng đăng ký mua trực tuyến sẽ được cung cấp một mã QR và sử dụng mã đó để lên xe buýt trong tháng. Cách làm này tạo sự thuận tiện cho người dân và tiết kiệm chi phí in ấn, làm thẻ vé và quản lý doanh thu chặt chẽ hơn. Đơn vị vận hành xe buýt trợ giá cũng xây dựng chính sách linh hoạt về giá đối với các khách hàng là các doanh nghiệp có đông công nhân…
Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thành phố Đà Nẵng cho biết: ''Trong giai đoạn 2022-2027 thì sẽ có xe buýt 20 chỗ đưa vào hoạt động phù hợp với tình trạng mặt đường, tình trạng giao thông ở thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra Sở Giao thông Vận tải cũng rà soát tất cả điểm dừng, rút ngắn cự ly tiếp cận của người dân đối với xe buýt. Rút ngắn còn từ 100 đến 300m đến các điểm dừng''./.