Thời gian qua, Trung Quốc liên tục căng thẳng với nhiều nước. Đối với Nhật Bản, Trung Quốc đã đưa tàu của mình vào gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong liên tục 111 ngày từ ngày 14/4 đến ngày 3/8/2020. Trung Quốc chỉ giảm gây áp lực lên Nhật Bản khi xuất hiện bão nhiệt đới Hagupit. Trung Quốc thực hiện động thái điều tàu này trong lúc họ đồng thời thách thức Mỹ ở Biển Đông, Đài Bắc (Trung Quốc) ở eo biển Đài Loan, và Ấn Độ ở vùng biên giới Ấn-Trung.
Những phản ứng trên của Trung Quốc có dấu hiệu giống với mô hình của Nhật Bản thời hậu Minh Trị Duy tân.
Học thuyết Monroe Nhật Bản
Tương tự Trung Quốc, Nhật Bản vào thế kỷ 19 quá yếu về chính trị và quá lạc hậu về kinh tế để có thể đẩy lui các ảnh hưởng của phương Tây. Tuy nhiên, Nhật Bản có cách tiếp cận khác với Trung Quốc. Vào đầu thế kỷ 20, Trung Quốc vẫn không nhúc nhích gì. Nhưng Nhật Bản đã khởi xướng công cuộc hiện đại hóa trước năm 1900, xây dựng một nền “kinh tế công nghiệp” thành công và bảo tồn được “đế chế” của họ, theo tác giả William Beasley trong cuốn sách “Japanese Imperialism, 1894–1945” (tạm dịch là “Chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản giai đoạn 1894–1945”).
Học giả Dale Copeland cũng giải thích rằng tầng lớp tinh hoa Nhật Bản cổ xúy cho “hai trụ cột song song” là “nước giàu, binh mạnh” và “thúc đẩy sản xuất” để đuổi kịp các đại cường quốc Anh, Pháp, và Đức, đồng thời phát triển mục tiêu quốc gia là công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế.
Khi bước sang thế kỷ 20, ý tưởng về một Học thuyết Monroe Nhật Bản bắt đầu xuất hiện. Có sự xê dịch nhất định trong cách hiểu về học thuyết này. Nhưng theo báo cáo của CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ), người Nhật có sự nhất trí cao độ rằng người châu Âu và người Mỹ đã đẩy các nước châu Á xuống vị thế nửa thuộc địa. Suy nghĩ chung của người Nhật theo trường phái cứng rắn khi đó là phải xóa bỏ tất cả các ảnh hưởng chính trị của phương Tây khỏi Đông Á và “toàn bộ khu vực này nên được tổ chức dưới sự kiểm soát chính trị của Nhật Bản”.
Trên thực tế, khẩu hiệu của Học thuyết Monroe Nhật Bản là “châu Á dành cho người châu Á”. Trong bài viết của mình trên tờ Foreign Affairs, học giả George Blakeslee viết rằng chính sách này ngầm chứa “quyền của giới lãnh đạo Nhật Bản ở Viễn Đông”.
“8 góc thế giới chung một mái nhà”
Chương trình “bành trướng” của Nhật Bản tiếp tục với sự sụp đổ của Pháp và Hà Lan vào năm 1940, mang lại cho Tokyo cơ hội lấn lướt các cơ sở của châu Âu ở châu Á. Ngay sau đó, theo báo cáo của CIA, Nhật Bản sẽ lập ra “vùng ảnh hưởng Đồng Thịnh vượng” Đại Đông Á (GEA), áp dụng Học thuyết Monroe Nhật Bản trên quy mô rộng hơn.
Tích hợp ý tưởng về hợp tác kinh tế, Tokyo cũng thiết lập Bộ GEA trong cấu trúc chính quyền của mình. Tokyo sau đó định nghĩa chính sách này là “một trật tự quốc tế dựa trên thịnh vượng chung”.
Gerald Haines giải thích rằng động cơ chính cho GEA là “bảo đảm Đông Á phục vụ lợi ích kinh tế của Nhật Bản”. Theo tác giả Ethel Dietrich, hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản khi đó ngày càng bị o ép bởi các rào cản thương mại của phương Tây.
Nhằm bảo đảm có một nguồn cung nguyên liệu thô ổn định cũng như một thị trường cho các sản phẩm của mình, Nhật Bản hy vọng sẽ tạo được một khối các quốc gia có mối liên kết về kinh tế và thương mại có khả năng chống chịu tốt trước các áp lực kinh tế từ bên ngoài, giống như hệ thống tương ứng của Anh Quốc và Mỹ. Học thuyết Monroe Nhật Bản mang lại nền tảng hoàn hảo cho chính sách GEA của Tokyo.
Trung Quốc đang đi con đường của Nhật Bản thời kỳ hậu Minh Trị Duy tân?
Lịch sử châu Á dường như đang lặp lại. Giống Nhật Bản, Trung Quốc hiện nay là một ví dụ điển hình về việc sở hữu sức mạnh nhờ vào sự giàu có, và sự giàu có này đến từ thương mại. Trung Quốc từng chịu một thời kỳ “bách niên quốc sỉ” dưới sự chi phối của phương Tây. Họ cũng bị Nhật Bản xâm lược lúc đang có nội chiến.
Mãi đến năm 1978 thì nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mới tiến hành mở cửa Trung Quốc với thế giới và thực hiện cải cách Trung Quốc theo định hướng thị trường, cho phép kinh tế tư nhân phát triển.
Theo Nicholas Lardy trên tờ Financial Times, khu vực tư nhân trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc vì các công ty thuộc khu vực này đóng góp đáng kể vào “sản lượng, việc làm, và tăng trưởng xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc”.
Khi mạnh lên nhờ vào tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc cũng đồng thời bộc lộ các dấu hiệu kinh điển của quá khứ. Tương tự Nhật Bản năm xưa, Trung Quốc ngày này đang thực hiện phiên bản “Học thuyết Monroe” của riêng mình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Chẳng hạn, kể từ năm 2013, Trung Quốc đã thực hiện nhiều hoạt động cải tạo (phi pháp) ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xây dựng (trái phép) nhiều cơ sở quân sự bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ hoàn toàn cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các động thái trên của Trung Quốc là nhằm đạt được các mưu đồ lớn, giúp họ có được sự kiểm soát (phi pháp) ở cấp độ chiến thuật và chiến dịch đối với Biển Đông, từ đó họ có thể thao túng đáng kể các nền kinh tế phương Đông và các nước quanh Biển Đông thông qua việc ngăn hoạt động hàng hải từ Singapore đi Nhật Bản.
Nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát biển Hoa Đông và Biển Đông cũng là nhằm tạo điều kiện để Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu tái thống nhất Đài Loan vào đại lục, dùng nơi này làm bàn đạp để đẩy ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây ra khỏi châu Á.
Trong khuôn khổ đại chiến lược này, Trung Quốc đã xúc tiến xây dựng các lực lượng lưỡng cư để thách thức “ưu thế của Mỹ tại châu Á”. Mục tiêu chủ yếu của họ không chỉ là phóng chiếu sức mạnh ra xa tính từ Trung Quốc đại lục, mà còn tăng cường khả năng “lấy lại Đài Loan”.
Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẻ đã kết thúc giai đoạn “giấu mình chờ thời” của ông Đặng Tiểu Bình và bước sang giai đoạn xem bản thân như thủ lĩnh của châu Á, giống như Nhật Bản từng làm trước đây./.