Cuộc phiêu lưu của Nhật Bản trong Thế chiến 2 đã chấm dứt vào ngày 15/8/1945. Sau 3 năm rưỡi chiến tranh tổng lực với nước Mỹ, đế chế hùng mạnh một thời này chỉ còn lại tro tàn và đổ nát.

linh_nhat_dau_hang_quan_dong_minh_iykt.jpg
Quân Nhật đầu hàng quân Mỹ. Ít người biết có âm mưu đảo chính ở Tokyo để ngăn việc đầu hàng, chỉ vài giờ trước ngày Nhật đầu hàng. Ảnh: Lục quân Mỹ.

Tổng cộng trên mặt trận Thái Bình Dương, Nhật Bản mất 50.000 máy bay, 3.000 xe tăng và hơn 300 chiến hạm, bao gồm 19 tàu sân bay và 8 tàu chiến cỡ lớn. Kinh khủng hơn nữa, nước này đã mất ít nhất 2 triệu lính trong các cuộc giao tranh đẫm máu.

Nhưng như thế dường như vẫn chưa đủ. Vào năm cuối cùng của Thế chiến 2, lãnh thổ của quốc gia này vẫn không an toàn. Các cuộc ném bom chiến lược phá hủy hầu hết các thành phố lớn và trung tâm công nghiệp của Nhật Bản. Riêng thành phố Nagasaki và Hiroshima vẫn hứng chịu những đám mây nấm khổng lồ từ 2 trái bom nguyên tử mà không quân Mỹ ném xuống. Gần một triệu dân thường Nhật Bản thiệt mạng, hàng triệu người khác rơi vào tình trạng vô gia cư.

Khi quân Mỹ kiểm soát được Okinawa và Iwo Jima của Nhật Bản, các tàu chiến, xe quân sự và binh sĩ của quân Đồng minnh tập kết cho trận tấn công đổ bộ cuối cùng lên đất Nhật.

Vào cuối tháng 7/1945, Mỹ, Anh và Trung Quốc ra Tuyên bố Potsdam khẳng định phe Đồng minh yêu cầu Tokyo phải đầu hàng vô điều kiện. Trong khi đó Liên Xô lại vừa tuyên chiến với Nhật Bản – điều này hứa hẹn làm cho xung đột ở Thái Bình Dương mở rộng thêm.

Vào đầu tháng 8/1945, Thiên hoàng Hirohito đã bắt đầu kêu gọi giới lãnh đạo Nhật hãy tìm kiếm các điều khoản đầu hàng. Còn Thủ tướng Nhật lúc đó là Kantarō Suzuki và nội các quân sự diều hâu của ông này, được gọi bằng cái tên “Sáu ông Lớn”, cuối cùng cũng chấp nhận thất bại. Người ta nhất trí rằng Hoàng đế Nhật sẽ chính thức tuyên bố Nhật Bản đầu hàng qua sóng phát thanh vào đúng trưa ngày 15/8 (giờ địa phương).

Nhưng điều bất ngờ là bất chấp thất bại không thể cứu vãn của Nhật Bản, không phải người Nhật nào cũng lựa chọn chấm dứt chiến tranh. Trên thực tế nhiều phần tử dân tộc chủ nghĩa của Nhật Bản quyết định tiếp tục chiến đấu.

Lật đổ hoàng đế

Vào đúng đêm trước khi Tokyo lên kế hoạch công khai nhất trí với tối hậu thư của quân Đồng minh, một nhóm sĩ quan trong Bộ Chiến tranh Nhật Bản do một viên thiếu tá lục quân 22 tuổi tên là Kenji Hatanaka đứng đầu đã xúc tiến mưu đồ lật đổ chính phủ Thiên hoàng.

Máy bay quân Đồng minh rải bom để dập tắt ý định phản kháng của người Nhật. Ảnh: WikiCommons.

Mục tiêu của nhóm đảo chính này là ngăn chặn Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng, để họ có thể tiếp tục chiến tranh bất kể kết cục. Nhóm sĩ quan này tin rằng một khi chế độ cầm quyền bị lật, nhân dân Nhật Bản sẽ đoàn kết lại và tiếp tục cuộc chiến bất kể kết quả ra sao.

Sau khi thuyết phục trong vô vọng Bộ trưởng Chiến tranh Korechika Anami ngăn chặn buổi phát thanh của Hirohito, thiếu tá Hatanaka và một nhúm nhỏ sĩ quan đã lôi kéo một bộ phận ngự lâm quân tinh nhuệ của Nhật Bản tham gia làm phản.

Lúc quá nửa đêm rạng ngày 15/8, các kẻ mưu phản tiến về sân Kyūjō (cung điện hoàng đế). Sau khi giết gọn viên chỉ huy một đơn vị ngự lâm quân vì ông này không tán thành đảo chính, Hatanaka và đồng bọn sục sạo nơi hoàng đế ở để tìm đoạn audio của Hirohito mà theo kế hoạch sẽ được phát sóng trong vài tiếng đồng hồ tiếp theo.

Tuy nhiên nhóm đảo chính không tìm nổi đoạn ghi âm, vì các đợt ném bom của Đồng minh đã gây ra mất điện khiến họ không định vị được cái cần tìm. Sau đó Hatanaka phái các sĩ quan dưới quyền của mình tới Yokohama gần đó để tìm giết Thủ tướng Nhật. Nhưng các sát thủ không xác định được vị trí mục tiêu của mình.

Biết các đơn vị lục quân Nhật đang trên đường đi dẹp loạn, đám ngự lâm quân nổi loạn sau đó nhanh chóng tan biến.

Bất chấp điều đó, thiếu tá Hatanaka bỏ sang trụ sở cơ quan phát thanh quốc gia của Nhật Bản với hy vọng sẽ tập hợp được sự ủng hộ từ đó. Y khua khua khẩu súng lục nhưng vẫn không được lên sóng. Viên thiếu tá mỗi lúc một thất vọng nhưng sau đó vẫn phóng xe máy qua các con phố ở thủ đô Tokyo rồi tung truyền đơn kháng chiến vào những người dân thường đã mệt mỏi vì chiến tranh. Khi lục quân Nhật khép vòng vây, Hatanaka tự sát bằng cách bắn vào đầu mình. Một tiếng sau đó, thông điệp phát thanh của Nhật hoàng Hirohito được loan trên làn sóng điện.

Như vậy Nhật Bản đã đầu hàng. Thế nhưng tuyên bố chính thức này về việc đầu hàng vẫn không chấm dứt được bạo động ở Nhật Bản.

Tiếp tục phiến loạn

Các phần tử dân tộc chủ nghĩa bất đồng chính kiến trong khắp nước Nhật tiếp tục thái độ và hành động thách thức trong nhiều ngày sau khi Hoàng đế Hirohito chính thức tuyên bố đầu hàng trên sóng phát thanh. Các đám đông tụ họp để phản đối lệnh ngừng bắn trong khi các phần tử xấu trong không quân Nhật thả truyền đơn trên lãnh thổ Nhật để lên án việc đầu hàng.

Vụ việc lớn nhất trong số này diễn ra vào ngày 24/8 ở tỉnh vùng sâu vùng xa Shimane. Một phần tử cực đoan 25 tuổi tên là Isao Okazaki đã cầm đầu cuộc nổi dậy. Vụ này được gọi là vụ Matsue.

Là một kẻ dân tộc chủ nghĩa cực đoan, Okazaki đã bị tống giam trong 2 năm vào năm 1943 vì đã âm mưu chống lại chính phủ Nhật. Đối với gã này, lực lượng cầm quyền không đủ “quân phiệt”.

Phía Nhật ký văn kiện đầu hàng chính thức trước sự chứng kiện của phe Đồng minh trên boong tàu ở vịnh Tokyo vào ngày 2/9/1945. Ảnh: YouTube.

Bây giờ khi Tokyo đã đầu hàng phe Đồng mịnh, gã cực đoan trẻ tuổi hy vọng sẽ phế truất cả chế độ và được thấy đất nước mình trở lại con đường “đấu tranh”.

Chỉ vài ngày trước khi một đơn vị chiếm đóng của Mỹ đặt chân lên đất Nhật Bản, Okazaki và 40 thuộc hạ có trang bị vũ khí tỏa đi khắp thành phố Matsue để chiếm các văn phòng của giới chức dân sự cũng như một nhà máy điện và tờ báo địa phương. Trong vụ chiếm công sở này, một cư dân địa phương đã bị sát hại.

Cuộc phiến loạn chấm dứt vài giờ sau đó khi Okazaki và đồng bọn cố gắng chiếm đài phát thanh địa phương, lúc đó được cảnh sát và một đơn vị quân đội bao bọc xung quanh. Nhóm phiến loạn sau đó bị bắt giữ, xét xử và bỏ tù.

Một tuần sau, bộ phận còn lại trong bộ máy lãnh đạo dân sự và quân sự của Nhật Bản tụ tập trên boong tàu USS Missouri (của Mỹ) ở vịnh Tokyo và chính thức ký văn kiện đầu hàng.

Điên cuồng chống cự

Bất chấp việc Thế chiến 2 đã chính thức kết thúc đối với Nhật, các ổ đề kháng của lính Nhật ở nhiều nơi thuộc Thái Bình Dương vẫn tiếp tục chiến đấu sau Ngày Chiến thắng đối với Nhật Bản (15/8).

Trong số các binh lính này, một số không hề biết việc Tokyo đã đầu hàng. Số khác đơn giản là không chịu buông vũ khí. Lính Mỹ và quân Đồng minh tiếp tục phải đụng độ với số tàn binh này trong nhiều tháng và nhiều năm sau Thế chiến 2. Dưới đây là một số vụ tiêu biểu:

- Một nhóm gần 50 lính bộ binh Nhật phát động một cuộc chiến tranh du kích chống lực lượng chiếm đóng Mỹ ở Saipan cho tới khi bị buộc đầu hàng lính thủy đánh bộ Mỹ vào tháng 12/1945.

- Hơn 30 lính Nhật trốn trong các khu rừng rậm ở Peleliu (thuộc đảo quốc Palau) cho đến tháng 3/1947 trước khi họ tự nộp mình cho người Mỹ.

- Hai lính Nhật cố thủ tại đồn của mình ở Iwo Jima cho đến tháng 1/1949, trong khi gần 20 người khác vẫn ở lại một hòn đảo trong quần đảo Marianas cho đến tháng 6/1951.

- Trong 20 năm tiếp theo, các nhóm nhỏ hoặc binh sĩ riêng lẻ từ các nơi hoang dã cầm cờ trắng ra đầu hàng. Nổi tiếng nhất là vụ Trung úy Nhật Hiroo Onada đầu hàng ở Lubang, Philippines, không lâu sau khi một khách du lịch ba lô Nhật Bản tình cờ tìm ra trại của ông này vào năm 1974. Cùng năm đó một binh nhì Nhật Bản bị phát hiện và bị bắt giữ ở vùng hoang dã Indonesia.../.