Mạo hiểm tác chiến cách xa nhà
Vào năm 1768, một cuộc chiến tranh nổ ra giữa 2 đối thủ là Đế chế Nga và Đế chế Ottoman (nòng cốt là Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Các chiến trường chính bao gồm các nước Balkan, vùng phía bắc của Biển Đen, và vùng Kavkaz.
Trong thời gian đó, Nữ hoàng Nga Catherine Đệ nhị đã lên kế hoạch tung một đòn đánh bất ngờ vào lưng quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ottoman, một hải đoàn Nga dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Grigory Spiridov lên đường từ Biển Baltic hướng về Địa Trung Hải.
Sau khi đi vòng qua hầu hết châu Âu, hải đoàn này có ý định đột phá thẳng tới Hy Lạp, ủng hộ cuộc nổi dậy của những người ái quốc địa phương đang phôi thai tại đó, đe dọa Istanbul và kéo sự chú ý của người Thổ ra khỏi khu vực Biển Đen, nơi lực lượng hải quân của Nga khi ấy còn rất hạn chế.
Trước đó, hạm đội Nga chưa bao giờ chiến đấu cách xa quê hương và căn cứ hậu cần tới hàng ngàn dặm như vậy. Bất cứ thất bại nào trong hoàn cảnh này đều có thể dẫn tới thảm họa thực sự. Tuy nhiên, cuối cùng đội tàu Nga không những không thất bại mà giành còn được chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử hải quân Nga.
Đòn mở màn
Hải đoàn Nga tới bờ biển Hy Lạp vào tháng 2/1770. Đúng như dự liệu, dân chúng địa phương nơi đây đã bắt đầu một cuộc nổi dậy chống lại ách thống trị của Hy Lạp.
Trong suốt mùa xuân, liên quân Nga-Hy Lạp đã đưa cuộc chiến tới bên người Ottoman trên bán đảo Peloponnese, cho lực lượng đổ bộ, tung ra những đòn tiến công bất ngờ, bao vây các pháo đài, và chặt đứt các tuyến liên lạc của kẻ thù.
Vào tháng 5 năm đó, hải đoàn của Đô đốc Spiridov hội quân với Chuẩn Đô đốc John Elphinston – một sĩ quan hải quân người Anh được hải quân Nga tuyển dụng. Hải đoàn của John Elphinston đã rời Baltic muộn hơn một chút. Hiện giờ, lực lượng Nga gồm 9 tàu chiến tuyến, 3 tàu hộ vệ, và 1 tàu oanh tạc (chuyên bắn phá các pháo đài, công sự địch), cộng thêm 20 tàu hỗ trợ nhỏ hơn.
Toàn bộ đoàn viễn chinh quân sự tới Địa Trung Hải này nằm dưới quyền tổng chỉ huy của Bá tước Alexei Orlov.
Đội tàu Thổ Nhĩ Kỳ, mà phía Nga phát hiện ở eo biển Chios ngoài khơi bờ biển phía tây của Tiểu Á vào ngày 5/7/1770, là một lực lượng đáng gờm. Trong tay các Đại Đô đốc Ibrahim Husayeddin và Cezayirli Gazi Hasan là 16 tàu chiến tuyến, 6 tàu hộ vệ, 19 tàu tay chèo và thuyền buồm, cùng 32 tàu hỗ trợ.
Dù có lợi thế về số lượng, các thủy thủ Ottoman yếu kém hơn hẳn phía Nga về mặt huấn luyện. Quân Ottoman thiếu sự gắn kết và thường xuyên rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất phương hướng.
Sử gia thế kỷ 19 Viktor Golovachev ghi nhận: “Tiếng kêu và tiếng động trong mỗi di chuyển nhỏ nhất đã bay tới tàu Nga trước khi hải đoàn Thổ Nhĩ Kỳ nổ súng. Phía Thổ bắn không thành thạo, thường trượt mục tiêu. Thế là mỗi lần phía Thổ bắn trật, trên các boong tàu Nga lại rộ lên những tràng cười”.
Hạm đội Ottoman dàn trận theo 2 đường vòm. Tuy nhiên, đội hình của họ quá sít nhau nên chỉ có các chiến hạm ở tuyến trước mới có thể sử dụng hiệu quả đại bác của mình. Bộ chỉ huy hải đoàn Nga hiểu rằng do chênh lệch lực lượng, họ không thể đấu pháo trực diện tầm xa trong thời gian dài. Họ quyết định phải dựa vào cận chiến và tung quân lên boong tàu đối phương.
Hải đoàn Nga không dàn trận như phía Thổ Nhĩ Kỳ. Thay vào đó, họ sử dụng chiến thuật tàu chiến tuyến, trong đó mỗi tàu sẽ nối đuôi tàu đi trước, và tiếp cận tuyến thứ nhất của hạm đội Ottoman ở góc vuông. Tính chuyên nghiệp của các thủy thủ Nga bảo đảm sự di chuyển này được thực hiện một cách nhanh chóng và không phải hứng chịu thương vong dù đối phương bắn pháo dữ dội.
Khi hải đoàn Nga đánh vào trung tâm đội hình đối phương, Đô đốc Spiridov cho soái hạm Saint Eustathius công kích soái hạm Real Mustafa của phía Ottoman. Khi hai tàu này đan chéo vào nhau trên biển, quân hai bên đánh giáp lá cà dữ dội ngay trên boong. Một trong các thủy thủ Nga quyết tâm đoạt lấy lá cờ Ottoman. Do bị thương ở cả hai tay, anh này dùng răng để ngoặm chặt lá cờ.
Lửa từ tàu Nga đang bốc cháy và bị hư hại nặng nề truyền sang tàu Real Mustafa và cuối cùng phá hủy cả hai tàu. Hầu hết thủy thủ 2 tàu này tử trận, riêng các chỉ huy thì kịp sơ tán.
Vụ soái hạm Real Mustafa bị đánh chìm để lại một dấu ấn không thể phai mờ đối với hải quân Ottoman. Người Thổ quyết định rút về vịnh Chesme dưới sự yểm trợ của pháo bờ biển. Nhưng đây lại là một sai lầm chết người.
Kế hỏa công diệt sạch mục tiêu
Đóng chật ních trong vịnh bé nhỏ Chesme, các chiến hạm Ottoman không còn chỗ để cơ động. Chính lúc đó, bộ chỉ huy Nga đưa ra ý tưởng dùng gió nhẹ thổi từ biển vào bờ để thiêu cháy thành tro hạm đội địch.
Trong ngày 6/7, hải đoàn Nga đấu pháo dữ dội với các chiến hạm Thổ Nhĩ Kỳ, gây hư hại cho một số tàu đối phương.
Sử gia Ottoman Ahmed Vassaf Effendi viết: “Bề mặt biển rực ánh lửa đạn đại bác”.
Phía Nga chuyển đổi 4 tàu hỗ trợ thành 4 “hỏa thuyền” chất đầy thuốc nổ.
Vào lúc 2h sáng 7/7, nhóm tàu tấn công nói trên tiến vào vịnh Chesme. Chỉ có một trong 4 hỏa thuyền là xâm nhập thành công, nhưng thế cũng là đủ. Tàu cảm tử này cố gắng xông thẳng vào một tàu chiến tuyến có 84 khẩu pháo. Kết quả là một phản ứng nổ dây chuyền khủng khiếp. Các mảnh cháy rải rác khắp vịnh, khiến các tàu khác cũng bị bén lửa.
Phó Đề đốc Samuel Greig – một sĩ quan người Anh khác trong hải quân Đế chế Nga, về sau kể lại: “Tưởng tượng dễ hơn là mô tả nỗi kinh sợ, tình trạng tê liệt đầu óc và rối loạn đang áp đảo quân thù. Quân Thổ ngừng kháng cự, kể cả trên các tàu chưa bắt lửa. Tất cả thủy thủ trên tàu cháy lao xuống nước trong sợ hãi, bề mặt vịnh đầy người lóp ngóp cố sống, nhiều người tự làm nhau chết đuối. Nỗi sợ của quân Thổ lớn đến mức họ không chỉ bỏ lại tàu và pháo bờ biển, họ thậm chí còn bỏ chạy khỏi cả pháo đài và thị trấn Chesme”.
Cuối cùng, các tàu Nga buộc phải ngừng bắn và bắt đầu cứu hộ những người lính Thổ còn sống.
Vương công Yuri Dolgorukov mô tả: “Nước hòa lẫn với máu và tro, tạo ra một dáng vẻ đáng sợ. Các thi thể bị thiêu cháy nổi trên sóng nước, nhiều đến nỗi rất khó để đi thuyền trong cảng”.
Nga giành thế thượng phong trên các tuyến biển sau chiến thắng vang dội
Nhiều tàu trong hạm đội Ottoman đã bị phá hủy trong trận hải chiến Chesme. Phía Ottoman mất tới 15 tàu chiến tuyến, 6 tàu hộ vệ, và nhiều tàu nhỏ. Trong số 15.000 thủy thủ Thổ Nhĩ Kỳ, gần 11.000 người tử trận. Ngoài ra, phía Nga còn chiếm được 1 tàu chiến tuyến và 5 tàu tay chèo.
Hạm đội Nga sau đó trở thành chúa tể không chỉ ở biển Aegean mà còn khắp vùng phía đông của Địa Trung Hải. Họ dễ dàng cắt đứt các tuyến liên lạc của Ottoman, chặn eo biển Dardanelles và tiến hành chiến dịch đánh chiếm cảng Beirut.
Nhờ phần nhiều vào đại thắng Chesme, cuộc chiến tranh của người Nga chống lại người Thổ chấm dứt vào năm 1774 với chiến thắng thuộc về phía Nga. Nga xác lập chắc chắn vị thế của mình trên bờ Biển Đen và có được lãnh thổ đầu tiên ở Crimea. Kể từ đó, ảnh hưởng của Nga trên bán đảo Balkan gia tăng đều đặn./.