Binh nhì Artyom Pakhotin trải qua cuộc hành hạ cuối cùng của đời mình khi bị những kẻ bắt nạt khắc lên trán cậu một chữ tục tĩu bằng lưỡi dao cạo râu để trừng phạt cậu đã trót hút một điếu thuốc trái quy định trong toilet doanh trại.

Hai tuần sau, vào ngày 19/4/2018, Pakhotin tự sát bằng một khẩu súng AK-47 trong một khóa huấn luyện của trung đội ở khu vực Sverdlovsk thuộc vùng núi Ural.

Kênh truyền hình địa phương TVK phát sóng đoạn tin nhắn cuối cùng mà Pakhotin gửi cho mẹ mình: “Mẹ ơi, đừng tin vào bất cứ điều gì mà người khác nói với mẹ. Bọn chúng bắt nạt con ở đây, vắt kiệt con về tâm lý và bòn rút sạch tiền bạc của con... Con không biết mình phải làm gì để vượt qua. Con quá mệt mỏi rồi. Con rất tiếc mọi chuyện lại ra nông nỗi này”.

Trường hợp của binh nhì Pakhotin không phải là duy nhất. Nạn “dedovshchina” – một từ tiếng Nga dùng để chỉ tệ bắt nạt bằng những trò trái khoáy, đã là một phần trong cuộc đời của các tân binh nghĩa vụ trong quân đội Nga kể từ cuối thế kỷ 17, khi Sa hoàng Nga là “Pi-e Đại đế” lần đầu tiên đưa vào thực thi chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Vào năm 2008, giới chức Nga triển khai các cải cách quân sự trong đó có nội dung cắt giảm thời gian nghĩa vụ quân sự từ 2 năm xuống còn một năm và thay đổi cơ cấu quản lý và hệ thống giáo dục của quân đội. Tình trạng bắt nạt tàn bạo vẫn kéo dài tiếp đến năm 2012, khi tác động từ các cải cách trên bắt đầu trở nên rõ ràng. Thế nhưng đến ít nhất là năm 2020, vẫn còn tình trạng lính nghĩa vụ gần kết thúc thời hạn phục vụ của mình tiếp tục bắt nạt các tân binh bằng hình thức hiếp dâm, đánh đập, và sỉ nhục, đôi khi để lại những hậu quả vô cùng nặng nề.

Vào tháng 10/2019, một lính nghĩa vụ 20 tuổi trong quân đội Nga đã xả súng vào 8 đồng đội ở thị trấn Gorny vùng Viễn Đông Nga. Cậu này tuyên bố mình làm vậy để trả thù cho việc bị bắt nạt và ức hiếp tập thể.

Shamsutdinov sau đó viết trong một lá thư ngỏ được luật sư của cậu phát lên mạng xã hội như sau: “Tôi hối hận đã không thể kiềm chế và tôi đã dùng đến biện pháp cực đoan, nhưng tôi đã bị đối xử tàn tệ”.

Không có số liệu thống kê chính thức về số vụ bắt nạt trong quân đội Nga nhưng một báo cáo trên trang tin tiếng Nga RBC.ru nói rằng vào năm 2018, hơn 1.100 quân nhân đã bị kết tội lạm dụng quyền lực và 372 người bị kết tội gây bạo lực.

Luật sư đồng thời là cựu quân nhân Alexander Latynin – một thành viên ban giám sát của tổ chức phi chính phủ “Liên minh Các bà mẹ của quân nhân Nga”, ước tính rằng số người bị kết án được phản ánh chỉ là đỉnh của tảng băng trôi.

Những cuộc gọi kêu cứu

Latynin kể với tờ báo Nga Moscow Times (Thời báo Moskva) như sau: “Chúng tôi nhận được 300 cuộc gọi điện mỗi ngày, 10% trong số đó là báo cáo về các vụ bắt nạt. Ngoài ra còn nhận thêm 20 email, mà trong đó một hoặc hai bức là về tình trạng hiếp đáp này”. Latynin cho biết thêm, các khiếu nại khác là về tình trạng các sĩ quan sỉ vả binh sĩ, tình trạng y tế kém, và việc cung cấp không đủ quân phục.

Tất cả nam giới Nga chưa tròn 27 tuổi và có đủ điều kiện sức khỏe đều thuộc diện phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong một năm. Trên thực tế, có hàng ngàn trường hợp nam giới Nga tránh quân dịch bằng cách hối lộ cán bộ tuyển quân và bác sĩ khám sức khỏe nam thanh niên được gọi nhập ngũ.

Theo thống kê chính thức, có 1,9 triệu quân nhân Nga, trong đó 80% là lính nghĩa vụ.

Một tổ chức phi chính phủ khác – “Quyền của người mẹ”, ước tính dựa trên các yêu cầu mà họ nhận được rằng chỉ 4% trong số các ca tử vong ở quân nhân nghĩa vụ là xảy ra trong khi làm nhiệm vụ, trong khi có tới 44% số vụ là tự tử.

Nữ phát ngôn viên Anna Kashirtseva cho hay: “Lính nghĩa vụ đối mặt với tệ bóp nặn tiền bạc, đánh đập, hiếp đáp, xúi tự tử, và các tội ác khác”.

Báo RBC ước tính rằng số vụ kết án liên quan đến lạm quyền trong quân đội Nga đã giảm phân nửa trong một thập kỷ qua, còn số vụ bạo hành đã giảm 5 lần kể từ năm 2008.

Arseny Levinson - một luật sư thuộc một nhóm nhân quyền của Công dân và Quân đội, cho biết tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới” đã giảm kể từ khi diễn ra các cuộc cải cách quân đội vào năm 2008.

Luật sư Levinson nói: “Quy mô bạo lực dựa trên “luật anh chị” căn cứ vào số thời gian phục vụ trong quân đội, đã giảm khi thời hạn nghĩa vụ quân sự được rút ngắn”.

Mạng xã hội giúp giảm nhẹ tình hình, nhưng...

Arseny Levinson cho biết thêm, công nghệ đóng vai trò trợ giúp tích cực ở đây: Điện thoại thông minh và internet đã khiến cho những kẻ bắt nạt khó khăn hơn trong việc che giấu tội lỗi của họ.

Tuy nhiên, vào năm 2019, một luật cấm quân nhân tại ngũ sử dụng điện thoại di động và các thiết bị có khả năng truy cập internet chính thức có hiệu lực.

Timur Ilyasov - một quân nhân nghĩa vụ ở vùng tây bắc Nga giai đoạn 2018-2019, nói rằng trải nghiệm của một người với tình trạng hiếp đáp, bắt nạt phụ thuộc vào tính cách của mỗi người. Anh này tin rằng một chút va chạm là điều bình thường trong một đơn vị quân đội.

“Nếu bạn để cho bản thân bị bắt nạt, họ sẽ bắt nạt bạn và ép bạn làm điều họ muốn... Đó chỉ là môi trường nam giới, sự tương tác của 100 người đàn ông trong một không gian khép kín”.

Ilyasov cho biết, thường xuyên xảy ra va chạm trong trung đội của anh, mặc dù các sĩ quan cấp trên có giám sát các quy trình một cách chặt chẽ.

“Mọi buổi tối, họ kiểm tra cơ thể của bạn, nếu bạn có vết bầm tím, cả bạn và cấp trên của bạn sẽ bị phạt” - Ilyasov nói và cho biết thêm, thực tế này khiến những kẻ bắt nạt tu luyện năng lực ra đòn bằng lòng bàn tay để không để lại dấu vết trên cơ thể nạn nhân.

Xu hướng ép nạn nhân cống nạp tiền

Giới bình luận cho rằng bản chất của nạn ma mới ma cũ này cũng đang thay đổi, theo hướng việc bòn rút tiền ngày càng chiếm ưu thế.

Luật sư Latynin cho biết, tình trạng ức hiếp phản ánh một cuộc khủng hoảng trong xã hội Nga và chỉ ra rằng các binh sĩ có giáo dục và kỷ luật tốt không bao giờ đi bắt nạt người khác.

Trong khi đó, Levinson nói rằng bản chất khép kín của hệ thống quân sự, việc thiếu thời gian thư giãn cho binh sĩ nghĩa vụ và các yếu kém trong huấn luyện sĩ quan đều góp phần tiêu cực vào việc sản sinh ra các điều kiện cho tệ bắt nạt.

Theo Levinson, “binh lính hầu như không có thời gian nghỉ phép, họ bị nhốt lại và cách ly với người thân và sự giám sát của công chúng”.

Latynin thì tin rằng có tới 30% lính nghĩa vụ không phù hợp với nghĩa vụ quân sự và ước tính rằng nhóm người này mất từ 6 tháng tới một năm mới thích ứng được với môi trường quân ngũ.

Kashirtseva lại cho rằng nạn dedovshchina vẫn tồn tại là bởi vì, trong đa phần các trường hợp, không ai bị quy trách nhiệm, do Nga thiếu một nền văn hóa pháp lý. Bà cho biết: “Người Nga đơn giản nghĩ rằng, chuyện đánh đập, bắt nạt hay moi tiền trong quân đội chính là trường đời dành cho các tân binh – họ sẽ phải tốt nghiệp từ đây nếu muốn trở thành người đàn ông đích thực”./.