Súng tiểu liên AK-47 (còn gọi là súng trường tấn công Kalashnikov) đã trở nên nổi tiếng và phổ biến khắp thế giới -  từ nông dân Indonesia, đến cảnh sát Pakistan, lính dù Bồ Đào Nha hay thậm chí cả mafia Mexico đều biết về súng này. Đã có cả những giai thoại liên quan đến thứ vũ khí này.

sung_ak_trung_quoc_va_nga_wbyl.jpg
Súng AK Trung Quốc và AK Nga. Ảnh: Legion Media.

AK không chỉ nằm trong tay binh sĩ mà còn xuất hiện trên cờ, đài tưởng niệm và huy chương của nhiều nước. Chưa có thứ vũ khí nào truyền cảm hứng cho nhiều cuốn sách, bài hát, và tác phẩm nghệ thuật khác đến như vậy.

Tuy nhiên điều ít người biết là việc hầu hết súng AK được phổ biến ra thế giới lại không liên quan nhiều đến Nga (thời Liên Xô). Trên thực tế, đa số súng AK đã được chế tạo ở Trung Quốc, Romania, Hungaria, Serbia, Ba Lan, Ethiopia và một trong 20 nước khác sản xuất các phiên bản khác của súng AK.

Chẳng hạn, trong số 2.000 khẩu AK mà tác giả Onokoy trực tiếp kiểm tra ở Iraq, có chưa đầy 10 khẩu (tức chỉ 0,5%) là được sản xuất ở Liên Xô (với Nga là nước thành viên lớn nhất). Những khẩu súng còn lại đến từ các nước châu Âu ngoài Liên Xô, một số khẩu được chế ở Iraq thời Saddam Hussein.

Một trong các lý do chính vì sao AK lại nhiều như thế là vì vào thập niên 1950, Triều Tiên, Bulgaria, Ba Lan, Hungary và Đông Đức bắt đầu sản xuất loại súng này.

AK Trung Quốc xuất hiện trên trường quốc tế như thế nào?

Vào đầu thập niên 1950, khi Liên Xô bắt đầu chương trình chuyển giao công nghệ quy mô lớn cho Trung Quốc, không ai có thể tưởng tượng được rằng quốc gia châu Á này sẽ nhanh chóng trở thành đối thủ lớn nhất của Liên Xô trên thị trường vũ khí quốc tế.

Vào cuối thập niên 1950, quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô bắt đầu xấu đi, dẫn tới sự chia rẽ Xô-Trung vào đầu thập niên 1960. Tất cả các trợ giúp quân sự và kỹ thuật của Liên Xô dành cho Trung Quốc đã bị chấm dứt. Từ thời điểm đó ngành công nghiệp vũ khí loại nhỏ của Trung Quốc bắt đầu phát triển độc lập mà không có sự tác động nào từ phía Liên Xô.

Xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc lên tới đỉnh cao vào năm 1968 với một cuộc đụng độ biên giới đẫm máu. Đây là lần đầu tiên nhưng không phải là lần cuối cùng các binh sĩ Liên Xô đối mặt với một đối thủ được trang bị chủ yếu bằng súng AK!

Liên Xô, vốn giúp xây các xí nghiệp chế tạo AK và huấn luyện các kỹ sư Trung Quốc, giờ đối mặt với “thành quả” của sự hào phóng của chính mình. Hậu quả của quá trình chuyển giao công nghệ này đã ám ảnh Liên Xô trong nhiều năm sau đó.

Còn về phía Trung Quốc, giờ không có sự kiểm soát hay giám sát nào từ phía nhà sản xuất gốc, họ đã tạo ra một hệ thống khổng lồ sản xuất vũ khí loại nhỏ. Hơn 12 nhà máy mật sản xuất vũ khí này (AK) được xây trên khắp lãnh thổ Trung Quốc.

Có ít thông tin về các nhà máy này. Nhưng mỗi nhà máy đều dập một biểu tượng thô (số của nhà máy) lên trên các khẩu súng AK do nó sản xuất. Nổi tiếng nhất là Nhà máy 386, ngoài ra còn có các nhà máy như 26, 66....

Hiện không rõ chất lượng của các súng tiểu liên này nhưng có một điều mà nhiều người tin vào, đó là Trung Quốc sản xuất súng AK còn nhiều hơn cả Liên Xô (trong đó có Nga). Trải nghiệm của tác giả Onokoy ở Trung Đông và châu Phi đã xác nhận điều này. Ở nhiều nước, súng AK do Nga sản xuất là một đồ hiếm quý báu và thường có giá cao hơn súng AK sản xuất ở các nước khác.

Còn có một điều nữa: Trung Quốc cũng đã chuyển giao công nghệ sản xuất AK cho Albania, Sudan và Iran. Ngày nay, Iran vẫn sản xuất các phiên bản AK Trung Quốc.

Đồ họa phân biệt AK Trung Quốc (phía trên) với AK Nga. Ảnh: Natalya Nosova.

Cách xác định súng AK Trung Quốc

Tương đối dễ nhận diện súng AK do Trung Quốc chế tạo và các loại súng phái sinh từ đó. Đầu ngắm AK Trung Quốc có khuyên tròn, và quai bảo vệ cò của súng này được cố định bằng 2 đinh tán (so với 4 của súng AK Liên Xô).

Ngoài ra, phiên bản báng gập Kiểu 56-1 (của Trung Quốc) còn có thêm đinh tán ở phần sau của thân súng.

Súng AK Trung Quốc có 3 loại cơ bản. Loại đầu tiên là Kiểu 56, với báng gỗ và một lưỡi lê nhọn gập được. Loại 2 là Kiểu 56-1, với báng gập xuống dưới. Loại 3 là Kiểu 56-2 với báng gập vào cạnh súng được thiết kế tốt.

Chất lượng súng AK Trung Quốc

Câu trả lời cho vấn đề này khá phức tạp. Các nhà sở hữu súng Mỹ mua được phiên bản dân sự của AK Trung Quốc thì thấy súng này OK. Nhưng cùng lúc, các quân nhân Mỹ gặp phải phiên bản quân dụng của AK Trung Quốc thì không ấn tượng lắm về súng này, họ than phiền về tình trạng hóc súng, rạn vỡ...

Tác giả Onokoy đã tự tìm hiểu thêm về vấn đề này và thấy rằng phiên bản AK quân dụng Kiểu 56 của Trung Quốc là ổn về chất lượng và có độ tin cậy xét từ góc độ tác chiến.

Tuy nhiên vào năm 1995, Trung Quốc đưa vào sử dụng trong quân đội nước này một loại súng tiểu liên mới tên là QBZ-95, súng này thay thế dần các loại súng nhỏ trước đó, bao gồm các phiên bản AK. Khi ấy chất lượng và giá cả của súng AK Trung Quốc bắt đầu đi xuống.

Trong những năm gần đây ở nước ngoài người ta có thể mua một khẩu Kiểu 56-2 mới (một phiên bản AK Trung Quốc) với giá 100 USD, trong khi các phiên bản AK khác có giá ít nhất là 400 USD.

Khác biệt về giá phản ánh khác biệt về chất lượng. Lớp mạ cờ-rôm bên trong nòng súng AK Trung Quốc nhanh chóng mất đi chỉ sau vài trăm phát đạn. Đã vậy các linh kiện không chuyển đổi được hoàn toàn giữa các khẩu súng.

Kiểu 56-2 hiện đại (của Trung Quốc) là vũ khí AK duy nhất mà tác giả Onokoy biết có thể thất bại trong cuộc thử bắn nâng nòng lên hoặc hạ nòng xuống.

Tuy nhiên súng AK do Trung Quốc sản xuất vẫn sẽ còn phổ biến ở những nước nghèo cũng như trong các lực lượng phiến quân trong một thời gian dài nữa./.