Trung Đông ở trong tình trạng hỗn loạn kể từ khi nổ ra phong trào nổi dậy “Mùa Xuân Arab” khởi phát từ Tunisia vào tháng 12/2010. Cái gọi là “Sự thức tỉnh Arab” nhằm chấm dứt các chế độ độc tài đã tồn tại hàng thập kỷ và mở ra kỷ nguyên các nền dân chủ mới, cuối cùng lại trở thành cơn ác mộng đẫm máu. Ngày nay, chúng ta thấy nội chiến ở Syria, cảnh nồi da nấu thịt vì giáo phái ở Iraq, cuộc chiến có đổ máu nhằm khôi phục lại chế độ dân chủ ở Ai Cập và vô số các cuộc đụng độ chết người khác ở các quốc gia khác.

Truyền thống lưu huyết

Chuyện “huynh đệ tương tàn” không có gì mới đối với Trung Đông. Có lẽ đây là khu vực bất ổn nhất, có thiên hướng xung đột nhất, và đa dạng nhất về mặt lịch sử của thế giới. Kể từ khi Đế chế Ottoman sụp đổ vào năm 1922 cho đến cuối thế kỷ 20, khó có năm nào trôi qua mà không có bạo lực. Luôn luôn xảy ra khủng hoảng hòa bình ở mảnh đất Tây Á và Bắc Phi. Xung đột khu vực, nội chiến, can thiệp của nước ngoài, nổi loạn, cách mạng và muôn vàn các cuộc đụng độ nội bộ một quốc gia hay giữa các quốc gia đã khiến cho khu vực này ở trong trạng thái bạo lực liên tục.

mua%20xuan%20arab%203%20bieu%20tinh%20tunisia.jpg
Người Tunisia xuống đường biểu tình (ảnh: Flickr)

  >> Đọc thêm: Mỹ dựng lên chế độ độc tài của quốc vương Iran Pahlavi bằng cách nào?

Một lý do chính cho các cuộc xung đột này là tình trạng các lãnh đạo khu vực bị các quốc gia khác gián tiếp chi phối. Các chế độ bù nhìn do người Mỹ dựng lên, như là quốc vương Reza Pahlavi của Iran (đã cai trị nước này trong khoảng 38 năm), luôn cố gắng kéo dài chế độ toàn trị của mình. Các chế độ này đàn áp người dân và không đếm xỉa mấy đến nỗi thống khổ của họ.

Khi các chế độ chuyên chế già cỗi tiếp tục các chiến thuật cũ mèm để kiểm soát quần chúng trong thế kỷ 21, người dân đã sôi lên vì tức giận. Nhu cầu về sự thay đổi chính trị-xã hội ngày càng tăng lên và những người bất mãn mòn mỏi chờ đợi sự thay đổi. Việc một thanh niên Tunisia tự thiêu vào tháng 12/2010 (để phản đối tình trạng tham nhũng và sự ngược đãi của cảnh sát) giống như giọt nước tràn ly, đã đẩy quần chúng xuống đường biểu tình. Cường độ và phạm vi của các phong trào xuống đường lớn đến mức, trong chưa đầy 2 tháng, hai nhà lãnh đạo “lâu năm” là Zine El-Abidine Ben Ali của Tunisia và Hosni Mubarak của Ai Cập đã bị hạ bệ.

  >> Đọc thêm: Sự thật về cái chết của lãnh đạo Libya Gaddafi

Sau Tổng thống Hussein, nhà lãnh đạo Gaddafi (phải) cũng phải "ra đi" (ảnh: ahram)

Các học giả, sử gia và nhà báo trên khắp thế giới tỏ thái độ lạc quan một cách thận trọng về phong trào nổi dậy này. Họ xem Mùa Xuân Arab như một phương tiện tạo ra sự thay đổi. Nhưng thật không may, phong trào nổi dậy đã đi sai hướng trong tiến trình ba năm qua. Phong trào đã không thể đạt được các mục tiêu cốt yếu của mình, đó là cải cách chính trị, tự do nhiều hơn, và dân chủ hóa. Các trở ngại chính là chủ nghĩa giáo phái và các cuộc chiến băng đảng. Bãi sình lầy Trung Đông còn là do các cường quốc thế giới và các thế lực khủng bố gây nên.

Căn bệnh giáo phái

Trung Đông đã trở thành chiến địa cho cuộc chiến tranh giành quyền lực, ưu thế và ảnh hưởng giữa các giáo phái dòng Shia và Sunni, và giữa các lãnh đạo được các thế lực toàn cầu và các nhóm cực đoan hậu thuẫn. Ở Syria, trong khi người dòng Alawite ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Bashar al-Assad thì phe đối lập do người Sunni thống trị lại chiến đấu hết mình để loại bỏ ông này khỏi quyền lực.

Ở Iraq, chính phủ Nouri al-Malaki do người dòng Sunni nắm giữ nỗ lực củng cố chắc chắn quyền lực của mình trong lúc các nhóm cực đoan Sunni gia tăng tấn công người Shia. Đã có hơn 8.000 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ kể từ khi Bộ trưởng Tài chính người Sunni Rafi al-Essawi từ chức để phản đối các chính sách của “chính phủ giáo phái”. Lebanon cũng đang phải chứng kiến vấn nạn bạo lực giáo phái. Bạo lực tràn lan ở Syria đã đẩy người Hồi giáo Shia và Sunni vào thế đối đầu nhau.

  >> Đọc thêm: Lý do Tổng thống Assad trụ vững trước cơn lốc Mùa Xuân Arab

Có vẻ như chủ nghĩa giáo phái đã áp đảo cả chủ nghĩa dân tộc Arab – một sợi dây liên kết ngôn ngữ đã giữ cho các cộng đồng Arab đoàn kết trong nhiều thập kỷ. Sự va chạm hiện nay giữa hai nhóm Hồi giáo lớn nhất thế giới là quá lớn để có thể hàn gắn. Tình trạng phân cực tôn giáo giữa hai phe đã phá hỏng một cách tai hại quá trình chuyển tiếp chính trị, biến quá trình này thành đụng độ chính trị-tôn giáo khu vực.

Syria tan hoang vì chiến tranh do ảnh hưởng của Làn sóng Mùa Xuân Arab. Trong ảnh, Tổng thống Assad đi thị sát chiến trường (ảnh: Facebook)

Chủ nghĩa giáo phái chi phối toàn khu vực. Theo đuổi các lợi ích của riêng mình, các nhân vật chính trong chính trường khu vực cùng với các cường quốc đã lợi dụng các xung đột nói trên, đẩy chúng thành các cuộc chiến tranh lớn hơn, đa chiều. Các quốc gia có đa số người Sunni sinh sống như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, và Qatar tỏ vẻ sẵn sàng tấn công đè bẹp Iran, Syria và Hezbollah, còn khối sau thì tìm mọi cách phá vỡ âm mưu này. Đó là lý do tại sao các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia lại cực kỳ “không vui” trước thỏa thuận tạm thời về chương trình hạt nhân Iran. Họ lo ngại thỏa thuận này có thể giúp Tehran nhanh chóng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Tự hủy hoại bản thân

Trong “cuộc chơi” chiến tranh này, các nước Hồi giáo chỉ đơn giản là cùng mắc một sai lầm chiến lược nghiêm trọng. Họ đang gây bất ổn và phá hủy chính khu vực của mình, tự làm tổn hại các lợi ích của bản thân. Dường như về thực chất đây là cuộc chiến giữa Washington và Moscow. Chẳng hạn, Mỹ và Nga đã nhất trí giải trừ vũ khí hóa học của Syria. Mỹ không tham vấn với các đồng minh của mình cũng như phe đối lập Syria. Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói chung đều nghe theo Kremlin. Hai cường quốc đạt tới một thỏa thuận, mà từ đó trên thực tế đã bật đèn xanh cho 2 phe tại Syria tiếp tục cuộc chém giết.

  >> Xem thêm: Suy ngẫm về chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa can thiệp

Trước đó, nước Mỹ vốn là đồng minh lâu năm của Ai Cập, thay vì giúp đỡ ông Morsi củng cố chính quyền thì lại giúp quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống được bầu ra một cách dân chủ nhưng lại là người của tổ chức Anh em Hồi giáo. Washington xem chính phủ “Hồi giáo” như là mối đe dọa đối với các lợi ích Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ đã ngừng viện trợ quân sự cho Ai Cập sau khi có những trấn áp quá đà của quân đội nước này. Song điều này cũng ít tạo ra được sự thay đổi đáng kể nào. Xứ Kim tự tháp giống như rơi vào tình trạng vô chính phủ. Đụng độ giữa những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo và các lực lượng chính phủ gia tăng một cách đáng báo động.

Tổng thống Ai Cập Mubarak bị lật đổ và cầm tù trong Mùa Xuân Arab (ảnh: Reuters)

Chiến sự tiếp diễn trong khu vực đã tạo chỗ cho các phần tử cực đoan và khủng bố tung hoành. Al-Qaeda và các chân rết của nó, nhất là Jabhat al-Nusra, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant, và chi nhánh al-Qaeda ở Bán đảo Arab, hoạt động tích cực hơn bao giờ hết, mở rộng các cơ sở cả về vật chất và tinh thần của mình trong toàn khu vực Trung Đông. Năm 2012, các phần tử khủng bố tiến hành một cuộc tấn công “ngoạn mục” vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, làm cho đại sứ Mỹ Christopher Stevens cùng 3 người khác thiệt mạng. Vào tháng 8/2013, mối đe dọa khủng bố đã buộc Mỹ phải đóng cửa 19 đại sứ quán trong khu vực này.

  >> Xem thêm: Cuộc đấu nảy lửa trên đường phố Ai Cập hậu Mubarak

Tờ Economist đưa tin, “al-Qaeda muốn gom Iraq, Syria và Lebanon vào thành một nhà nước Hồi giáo Khalifah”. Mạng lưới khủng bố này giờ đã kiểm soát được nhiều lãnh thổ hơn và đang tuyển thêm nhiều chiến binh hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử 25 năm của mình. Nhóm này, mà theo lời ông Obama là đang “trên đường tới thất bại”, đang tự hồi sinh trong một Trung Đông bất ổn. Trên thực tế, tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới này đang đặt ra các thách thức lớn hơn bao giờ hết cho sự bình yên toàn cầu./.