Sau khi được xác định mắc sốt xuất huyết 1 ngày, con trai của chị Huỳnh Thị Mộng Thường, ở tỉnh Quảng Nam đã chuyến biến nặng phải chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng điều trị.

“Buổi chiều cháu bắt đầu sốt, sốt cả đêm phải chuyển vào bệnh viện. Chuyển vào bệnh viện nhưng đến 10h đêm vẫn sốt cao, cho thuốc hạ sốt không đỡ. Cháu nói sảng và co giật nên bệnh viện cho chuyển ra đa khoa.”- chị Thường nói.

Đa số các bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng đều trong tình trạng nặng, phải điều trị dài ngày. Bệnh nhân Nguyễn Thị Túy, ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đã hơn 1 tuần nhập viện nhưng đến nay tình trạng sức khỏe chưa ổn định. Chị Nguyễn Thị Túy hiện vẫn còn mệt mỏi, thậm chí là sốt cao.

“Tới đây là 9 ngày rồi, nhưng mà mình vẫn thấy trong người vẫn còn mệt mỏi, đau cơ, đau người, khó chịu. Đi lại vẫn hoa mắt chóng mặt.”- chị Tuý cho biết.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 800 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có nhiều trường hợp bệnh nặng, nguy kịch phải can thiệp điều trị hồi sức tích cực. Tình hình ca bệnh sốt xuất huyết nặng gia tăng tại Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện này có dấu hiệu quá tải. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng, trong số các ca nặng, nguy kịch phải can thiệp hồi sức tích cực có cả trường hợp là người trẻ tuổi. Trước tình trạng ca bệnh nặng tăng nhanh, Bệnh viện Đà Nẵng đã mở lại khoa Y học nhiệt đới cơ sở 2 tại Trung tâm tim mạch với quy mô 40 giường để đảm bảo năng lực tiếp nhận và thu dung bệnh nhân.

Bác sĩ Trương Thị Hoa, Phó trưởng khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết:“Một số bệnh nhân nặng có thể do, thứ nhất động lực của virus, thứ hai có thể do sự chủ quan của người bệnh. Người ta nghĩ sốt xuất huyết sẽ tự khỏi. Nhưng thật ra sốt xuất huyết phải theo dõi sát, cần có sự thăm khám. Tránh tình trạng bệnh nhân choáng, tổn thương tạng không hồi phục. Khi bệnh nhân nhập viện có thể là quá trễ, rơi vào tình trạng sốt mất bù rất khó điều trị, rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao./.”