Từ người già đến trẻ em, ước tính hàng nghìn người, đang cắm trại tạm bợ, đốt lửa sưởi ấm trong điều kiện thời tiết giá lạnh tại những khu rừng dọc biên giới Belarus – Ba Lan.
Một hàng dài người thậm chí còn cố gắng dùng sức để phá hàng rào thép gai biên giới của Ba Lan ngăn cách với Belarus, bất chấp bên kia là khoảng 20.000 binh sĩ, cảnh sát và lực lượng biên phòng vừa được chính phủ Ba Lan tăng cường tới, cùng nhiều khí tài quân sự, xe tăng, để ngăn chặn sự xâm nhập “bất hợp pháp” của họ.
Ngày 9/11, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã bày tỏ lo ngại trước diễn biến này; khẳng định dòng người di cư đổ về khu vực biên giới Belarus tìm cách vào Ba Lan là đáng báo động. Cơ quan này cùng Tổ chức Di cư Quốc tế và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đang rất quan ngại về số phận của nhóm người phụ nữ và trẻ em tại đây và đang tìm cách liên hệ với chính phủ Belarus và Ba Lan để hỗ trợ người di cư.
Văn phòng Tổng thống Nga (Điện Kremlin) cũng bày tỏ quan ngại về diễn biến ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan song hoan nghênh các chuyên gia của Belarus đã tới giúp những người di cư ở khu vực biên giới, gọi đây là việc làm thể hiện trách nhiệm. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko để thảo luận về tình hình này. Trong khi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề nghị EU cung cấp cho Belarus hỗ trợ tài chính để ngăn chặn dòng người di cư, giống như một thỏa thuận của EU trước đó đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ.
Với Liên minh châu Âu (EU), vấn đề người di cư từ Belarus tràn vào Ba Lan đang đe dọa nghiêm trọng an ninh các nước thành viên. Điều này được Tổng thống Ba Lan và giới lãnh đạo EU nhắc lại trong ngày 9/11. Tuy nhiên, EU lại đổ lỗi cho Belarus về tình hình này, cáo buộc Belarus hành xử không phù hợp khi để người di cư bất hợp pháp từ Trung Đông, châu Phi và Afghanistan tràn vào Khối, nhằm tạo áp lực buộc EU phải gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Belarus liên quan đến vấn đề nhân quyền.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Dana Spinant dẫn tuyên bố bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định: “Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã yêu cầu rất rõ ràng thông qua tuyên bố rằng Belarus cần dừng ngay việc sử dụng vấn đề di cư như công cụ vì các mục đích chính trị. Điều này đang đẩy cuộc sống của nhiều người vào tình thế nguy hiểm. Chủ tịch Ủy ban châu Âu vừa có cuộc điện đàm với Thủ tướng các nước Ba Lan, Litva và Latvia để bày tỏ sự đoàn kết trong EU cũng như bàn thảo về các biện pháp hỗ trợ khả thi. Chủ tịch Ủy ban châu Âu kêu gọi các quốc gia thành viên thông qua các biện pháp trừng phạt mở rộng đối với chính quyền Belarus, cũng như chống lại các hãng hàng không của nước thứ ba liên quan tới hoạt động buôn người”.
Hiện EU đang giám sát các chuyến bay từ hàng chục quốc gia đến Belarus, do nghi ngờ chở theo người di cư có ý đồ vào châu Âu bất hợp pháp. Chính phủ các nước thành viên EU đã đình chỉ tạm thời một thỏa thuận về tạo điều kiện cấp thị thực cho quan chức Belarus liên quan đến vấn đề này. Trong ngày 10/11, EU dự kiến áp đặt thêm trừng phạt nhằm vào một loạt quan chức cấp cao của Belarus.
Về phần mình, Belarus luôn bác bỏ mọi cáo buộc từ các nước châu Âu. Tổng thống Alexander Lukashenko khẳng định, nước này không muốn leo thang căng thẳng trong vấn đề người di cư, đồng thời còn cáo buộc ngược lại Ba Lan điều quân tới biên giới với nước này làm gia tăng căng thẳng.
Bộ Quốc phòng Belarus khẳng định, những cáo buộc từ EU và Ba Lan là vô căn cứ. Belarus cho rằng Ba Lan đã triển khai 10.000 binh lính đến khu vực biên giới với Belarus mà không thông báo trước với Minsk, cho rằng động thái này vi phạm các thỏa thuận an ninh chung. Thỏa thuận chỉ rõ bất kỳ bên nào muốn triển khai hơn 6.000 binh lính đến khu vực biên giới đều phải thông báo để bên còn lại cử quan sát viên tới khu vực./.