Theo phân tích từ nghiên cứu ứng dụng ZEO Covid (tiến hành với sự tham gia của hơn 400.000 cá nhân đã tiêm 2 mũi vaccine Pfizer-BioNTech) thì vaccine này có hiệu quả bảo vệ gần 90% trước sự lây nhiễm của virus vào thời điểm một tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, hiệu quả tổng thể đã sụt giảm xuống mức 74% vào thời điểm 5 hoặc 6 tháng sau khi đã tiêm 2 mũi vaccine Pfizer-BioNTech.
Ngoài ra, phân tích hơn 700.000 trường hợp tiêm cả 2 mũi vaccine AstraZeneca cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm từ 77% sau một tháng xuống còn 67% sau 3 hoặc 4 tháng.
Không mất hết hoàn toàn mức độ bảo vệ
Alexander Hammers - giáo sư chẩn đoán hình ảnh và khoa học thần kinh tại trường King’s College London, nhấn mạnh tại một cuộc hội thảo trực tuyến rằng giới chức y tế đã xác định từ đầu rằng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) sẽ giảm theo thời gian.
Tuy nhiên, Giáo sư Hammer cho rằng dù có sự suy giảm như vậy, độ hiệu nghiệm của vaccine ở các cá nhân vẫn ở mức ít nhất là 50%.
Ông Hammer lưu ý rằng, lúc vaccine Covid-19 mới được phát triển, người ta chỉ kỳ vọng độ hiệu nghiệm ở mức 60-70% nhưng cuối cùng kết lại là lên tới trên 80%, thậm chí 90%.
Tại Mỹ, các quan chức y tế hàng đầu đã xác nhận rằng họ có kế hoạch bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho tất cả những người Mỹ có đủ điều kiện để tiêm sau khi đã được tiêm mũi 2. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho rằng, sau khi tiêm mũi 3, có khả năng người Mỹ không cần tiêm tăng cường mỗi năm nữa.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây một năm rưỡi, hơn 210 triệu người trên thế giới đã bị lây nhiễm bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng con số ca mắc có thể lên tới 300 triệu vào đầu năm 2022./.