Theo AP, tại ngôi làng nhỏ Pauwathok ở độ cao 1.100m so với mặt nước biển nằm cách thủ đô Kathmandu khoảng 50km về phía Đông, toàn bộ nhà cửa đã bị đổ sập sau trận động đất kinh hoàng vào tuần trước. 

tam_bien_qdsa.jpgTấm biển cầu cứu đặt ngay trước ngôi làng Pauwathok (Ảnh AP) 

Tuy nhiên, cho đến nay (ngày 2/5) nhiều người dân trong làng cho biết, không một quan chức Chính phủ hay binh sĩ có mặt tại ngôi làng này kể từ khi thời điểm trận động đất diễn ra. 

Đầu giờ sáng 2/7, một đoàn xe chở hàng cứu trợ được cảnh sát Nepal hộ tống bắt đầu xuất hiện ở đầu làng Pauwathok. Người dân trong làng nhanh chóng chạy bổ ra đường chờ được cứu trợ nhưng chiếc xe không dừng lại đó. 

“Các người không thấy chúng tôi à”, một tiếng hét vọng lên khi đoàn xe này lầm lũi leo lên một con đồi gần đó và dần mất hút. 

Không chỉ có Pauwathok, gần một tuần qua, hàng cứu trợ đã chậm đến tay những người đang cần được hỗ trợ nhất. Thậm chí, tại nhiều làng quê, hàng cứu trợ còn không đến tay họ. 

Các quan chức nhân đạo của Liên Hợp Quốc ngày 2/5 cho biết họ đang rất lo ngại về tình hình dịch bệnh tràn lan và yêu cầu có thêm nhiều trực thăng để có thể đến được những ngôi làng hẻo lánh như Pauwathok, vốn rất khó tiếp cận bằng đường bộ kể từ khi trận động đất xảy ra. 

Chính phủ Nepal công bố, số người thiệt mạng hiện nay đã lên đến 7.040 người và rất khó có khả năng tìm thêm được những người sống sót. 

Làng Pauwathok nằm tại huyện Sindupalchok, nơi có số người thiệt mạng cao hơn bất kỳ nơi nào khác tại Nepal và đã lên tới 2.560 người, gần gấp đôi so với con số 1.622 tại thủ đô Kathmandu. Liên Hợp Quốc ước tính gần 90% số nhà tại đây đã bị đổ sập. 

Anh Rajaram Giri, cho biết anh đang ngồi dưới một cây lớn thì trận động đất diễn ra và ngay lập tức toàn bộ làng Pauwakthok chìm trong một đống bụi đỏ. Khi đám bụi này lắng xuống, toàn bộ ngôi làng này đã tan hoang. 

Chỉ có rất ít ngôi nhà ở đây có thể ở tạm được. Nhiều gia đình giờ phải ngủ trong các lều trại dựng tạm từ chính những vật liệu cũ trong nhà của mình như gạch ngói vỡ hoặc bất kỳ thứ gì còn sót lại. 

Trong khi đó, nhiều người phải ngủ dưới những tấm vải nhựa mà họ lấy được khi ngồi chặn đường các đoàn xe cứu trợ đi qua ngôi làng của mình. Họ chỉ lấy được 30 mảnh vải nhựa như vậy và anh Giri cũng lấy một tấm cho nhà mình. 

“Chúng tôi chỉ còn ít quần áo che thân. Số còn lại bị vùi lấp rồi”, anh Giri nói. 

Cuối cùng, vào cuối ngày 2/5. những lời kêu cứu của người dân làng Pauwathok đã được hồi đáp.

Một chiếc xe tải chở đầy gạo, mỳ và thuốc men đã đến được ngôi làng này. Người dân làng bắt đầu vây quanh chiếc xe. 

Chiếc xe tải này được anh Supral Raj Joshi, một giáo viên đi quyên góp hàng từ thiện từ bạn bè và người thân, lái đi các nơi để hỗ trợ những nạn nhân của vụ động đất nói trên. 

“Chính phủ chưa thể giúp đỡ được tất cả mọi người, chính vì vậy sẽ là tốt hpn nếu mọi người cùng chung tay”, anh Supral Raj Joshi, cho biết và nói thêm: “Điều này không phải là để nói rằng chính phủ không làm gì cả. Đơn giản là chính phủ chưa thể đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người”. 

Không chỉ có anh Joshi, 6 người khác cũng đã đến làng để hỗ trợ y tế cho người dân. 

Họ đã băng bó cho bà Tilamaya Bharti, người bị mất một phần ngón tay trong trận động đất nói trên và cho bà cả thuốc kháng sinh. Đây là những viên thuốc đầu tiên mà bà nhận được kể từ tuần trước, khi một bác sĩ đến làng và vội vã băng bó tay cho bà trước khi rời đi chỗ khác. 

Dù tình hình tại làng Pauwathok được cho là khá nghiêm trọng nhưng nhiều nơi khác tại Nepal, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. 

Ông David O'Neill thuộc nhóm tìm kiếm cứu trợ của Anh cho biết, nhóm của ông đã lái xe đi những nơi xa nhất có thể và đi bộ hàng giờ liền đến 6 ngôi làng hẻo lánh. Tại đó, nhiều ngôi làng đã bị hủy hoại nghiêm trọng và 80% dân làng bị thiệt mạng. 

“Mọi thứ đều sụp đổ, nhiều người chết không phải là do trận động đất mà là do dư chấn của nó trong ngày hôm sau”, ông O’Neill nói. 

Nhóm của ông O’Neill cũng tìm cách thuê trực thăng để đi các làng, nhưng không một chiếc nào nữa nên họ phải quay trở lại Kathmandu. 

“Chúng tôi cần thêm nhiều trực thăng” bà Ertharin Cousin, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực của Liên Hợp Quốc cho biết. 

“Đây là một trong số những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Nếu cộng đồng quốc tế ngoảnh mặt với Nepal, người dân tại đây sẽ không nhận được sự hỗ trợ cần thiết để tái thiết cuộc sống”./.