Hạ viện Mỹ ngày 12/7 (theo giờ Mỹ) đã bỏ phiếu bác bỏ chương trình giám sát cá da trơn xuất khẩu vào Mỹ. Đây là tín hiệu tích cực đối với các nhà xuất khẩu cá tra và basa của Việt Nam trong bối cảnh các mặt hàng thuỷ sản trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường này.
Điều khoản yêu cầu bãi bỏ chương trình giám sát cá da trơn là một phần trong Dự luật Nông trại Mỹ 2013 được Hạ viện thông qua với 218 phiếu thuận và 206 phiếu chống.
Chương trình giám sát cá da trơn lần đầu tiên được đưa vào Luật Nông trại 2008, theo đó, trách nhiệm giám sát cá da trơn nhập khẩu sẽ được chuyển từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm sang Bộ Nông nghiệp Mỹ. Những người ủng hộ chương trình giám sát cho rằng, chương trình này sẽ giúp Bộ Nông nghiệp kiểm soát tốt hơn chất lượng cá da trơn nhập khẩu trong khi những người phản đối lập luận rằng quyết định trên là một sự lãng phí lớn về tiền bạc và thực tế chỉ tạo ra rào cản thương mại không chính thức đối với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất cá da trơn trong nước. Được hình thành cách đây 5 năm nhưng cho đến nay chương trình giám sát cá da trơn vẫn chưa được triển khai do tốn kém và chồng chéo chức năng với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm.
Dù bị Hạ viện Mỹ bác bỏ nhưng chương trình giám sát cá da trơn vẫn là một nguy cơ lớn đối các sản phẩm cá tra và basa xuất khẩu của Việt Nam khi nó đang được nhiều Thượng nghị sỹ Mỹ ủng hộ. Nếu chương trình này không được cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ nhất trí xoá bỏ thì thị trường Mỹ có thể sẽ hoàn toàn khép lại đối với cá tra và basa nhập khẩu từ Việt Nam trong một thời gian dài, gây tổn thất nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và hàng trăm nghìn nông dân Việt Nam.Trong trường hợp chương trình giám sát được đưa về Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam sẽ phải mất từ 5 tới 7 năm để nâng cấp quy trình sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn tương đương với những nhà nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản Mỹ trước khi có thể nối lại xuất khẩu vào Mỹ. Hiện kim ngạch xuất khẩu cá tra và basa của Việt Nam vào Mỹ đạt khoảng 400 triệu USD/năm.
Sau phiên bỏ phiếu tại Hạ viện, Hạ nghị sỹ Vicky Hartzler, thành viên Uỷ ban Nông nghiệp Hạ viện nhấn mạnh, việc bãi bỏ chương trình giám sát cá da trơn sẽ giúp người đóng thuế Mỹ tiết kiệm 170 triệu USD trong 10 năm tới. Chi phí thành lập Văn phòng giám sát ước tính vào khoảng 30 triệu USD và chi phí vận hành hàng năm sẽ lên tới 14 triệu USD./.