LTS:Xin giới thiệu với độc giả phần lược dịch bài viết của Giáo sư virus học Aris Katzourakis được đăng trên website của tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới Nature vào tháng 2/2022.
Từ “đặc hữu” đã trở thành một trong những từ được sử dụng chưa chính xác khi nói về đại dịch Covid-19. Và việc sử dụng như thế có thể gây ra tâm lý tự mãn. Gọi Covid-19 là đặc hữu không đồng nghĩa với việc đại dịch này sẽ sớm kết thúc một cách tự nhiên.
Đối với một nhà dịch tễ học, một ca lây nhiễm đặc hữu là tình trạng trong đó tỷ lệ mắc tổng thể là tĩnh – không tăng, không giảm. Cúm thông thường là đặc hữu, sốt rét, đậu mùa và bại liệt cũng vậy.
Nói cách khác, một bệnh dù được coi là đặc hữu thì vẫn có thể có tính lây lan rộng và gây chết người như thường. Vào năm 2020, bệnh sốt rét khiến khoảng 600.000 người trên thế giới tử vong. Cũng năm 2020, 10 triệu người bị ốm vì lao phổi và trong đó, 1,5 triệu bệnh nhân đã không qua khỏi.
Việc tuyên bố một bệnh truyền nhiễm nào đó là đặc hữu không hề hàm chứa thông tin về thời gian để bệnh đạt tới trạng thái tĩnh. Việc tuyên bố đó cũng không gợi ý về mức độ ổn định được bảo đảm. Vẫn có những làn sóng bùng phát đối với các bệnh truyền nhiễm đặc hữu, như đợt bùng phát bệnh sởi ở Mỹ vào năm 2019. Các chính sách y tế và hành vi của các cá nhân sẽ quyết định hình thức của bệnh Covid-19 đặc hữu.
Cùng một loại virus có thể gây ra bệnh truyền nhiễm ở mức độ đặc hữu, dịch, hoặc đại dịch, tùy thuộc sự tương tác giữa các yếu tố như hành vi của cộng đồng dân cư, cấu trúc nhân khẩu, mức độ đề kháng, và sự xuất hiện của các biến thể virus.
Cũng có một quan niệm sai là virus tiến hóa theo thời gian sẽ trở nên lành hơn. Như trường hợp SARS-CoV-2, biến thể Alpha và Delta nguy hiểm hơn chủng đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Làn sóng thứ hai của đại dịch cúm 1918 gây tử vong nhiều hơn so với làn sóng thứ nhất.
Vậy chúng ta nên làm gì?
Phải có cái nhìn thực tế về mức độ tử vong, tàn tật, và ốm yếu do Covid-19. Phải tính đến thực tế, virus càng lưu hành sẽ càng làm gia tăng nguy cơ phát sinh các biến thể mới. Phải sử dụng các "vũ khí" trong tay chúng ta, đó là vaccine hiệu quả, thuốc kháng virus, xét nghiệm chẩn đoán, và tri thức về cách ngăn chặn lây lan virus qua không khí, như bằng cách đeo khẩu trang, giãn cách, tăng cường thông khí và lọc khí. Cuối cùng, phải đầu tư vào các vaccine có khả năng bảo vệ con người trước nhiều biến thể của virus./.