Trong thông báo của chính quyền thủ đô Jakarta ngày 13/1, hàng chục trường học ở thủ đô Jakarta từ cấp tiểu học đến Trung học Phổ thông đã phải ngừng việc học tập trực tiếp với công suất 100% (PTM) ít nhất trong 5 ngày theo các quy định hiện hành do phát hiện các ca lây nhiễm đại dịch trong môi trường học đường. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Jakarta vẫn quyết định giữ chính sách học tập trực tiếp với 100% công suất do nằm trong khu vực Giới hạn hoạt động cộng đồng cấp độ 2, đủ tiêu chuẩn để mở 100% công suất lớp học.
Trong một tuyên bố, Phó Thống đốc Jakarta, ông Ahmad Riza Patria cho biết, mặc dù không dừng quá trình học tập trực tiếp nói chung, nhưng chính quyền thành phố sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện PTM, lắng nghe ý kiến của nhiều bên, trong đó có Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa Indonesia và phụ huynh học sinh.
Trong khi đó, các vùng đệm cho thành phố thủ đô, cụ thể là Bogor, Depok, Bekasi, các thành phố ở miền Tây Java hay thành phố Solo đã quyết định hoãn việc học tập trực tiếp 100% công suất (PTM). Quyết định trên được đưa ra do số ca mắc biến thể Omicron gia tăng thủ đô Jakarta. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là ổ dịch Omicron của Indonesia với 565 trường hợp, trong đó có khoảng 100 ca lây truyền trong cộng đồng. Biến thể Omicron xâm nhập đã khiến số ca mắc Covid-19 tại Indonesia tăng gấp 3 lần trong tuần qua.
Ngoài ra, việc học tập trực tiếp ở các thành phố này được trì hoãn do tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em ở khu vực này còn tập, đe dọa đến sự an toàn của quá trình dạy vào học. Nhiếp chính thành phố Bogor, ông Dedie cho biết, thành phố sẽ ưu tiên hoàn thành việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi trước khi bắt đầu chương trình học trực tiếp với 100% công suất.
Trước tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong trường học, Hiệp hội Giáo dục và Giáo viên Indonesia đánh giá rằng việc triển khai học tập trực tiếp 100% công suất là vội vàng. Trong tuyên bố ngày 13/1, Hiệp hội này cho biết, các giáo viên cũng giống như nhân viên y tế, là lực lượng đi đầu trong việc đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 do đó cần phải được sớm tiêm chủng liều tăng cường. Hiệp hội Giáo dục và Giáo viên Indonesia kêu gọi chính phủ xem xét lại quy định học tập trực tiếp 100% công suất, đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 6-11 tuổi và tiêm nhắc lại cho giáo viên và các nhà giáo, đặc biệt ở khu vực có số ca mắc tăng cao như Jakarta và các vùng đệm như Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi.
Số phận việc học tập trực tiếp 100% công suất ở Indonesia sẽ còn thay đổi khi hiện nay Indonesia được dự báo chuẩn bị đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ ba do biến thể Omicron. Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi dự báo, vào tuần đầu tiên hoặc tuần thứ hai của tháng 2/2022 số ca mắc Covid-19 hàng ngày của Indonesia có thể lên tới 40.000-60.000 ca, cao hơn giai đoạn cao điểm làn sóng Covid-19 thứ hai do biến thể Delta gây ra. Trong khi đó, Thủ đô Jakarta, nơi đang là ổ dịch Covid-19 của đất nước với phần lớn các ca nhiễm Omicron được dự báo phải đối mặt với khoảng 21.000 ca Covid-19 mỗi ngày. Dự đoán này được đưa ra dựa vào thực tế ở nhiều nước khác khi biến thể Omicron lan rộng nhanh chóng trong vòng 40 ngày kể từ khi bùng phát.
Trước đó hồi đầu năm, chính phủ thông qua Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ đã ban hành chính sách học tập trực diện cho năm 2022 với một số điều khoản. Dựa trên Nghị định của 4 Bộ trưởng Indonesia liên quan đến Hướng dẫn Thực hiện Học tập trong Thời kỳ xảy ra Đại dịch COVID-19, các khu vực áp dụng Giới hạn hoạt động cộng đồng cấp độ 1 và cấp 2 được phép mở cửa trường học với 100% công suất, tối đa 6 giờ một ngày.
Các trường có thể thực hiện việc học hàng ngày là những trường có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi thứ hai cho giáo viên và các nhà giáo dục trên 80% và những trường nằm trong khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cho người cao tuổi trên 50%. Trong trường hợp có số ca lây nhiễm trên 5% trong môi trường học đường, việc hoc tập trực tiếp sẽ tạm thời bị đình chỉ lâu nhất là trong 14 ngày./.