Cuộc khủng hoảng tại Syria dường như đã lan sang nước láng giềng Iraq với những vụ nổ súng, pháo kích tại khu vực biên giới hai nước. Đã có nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ “khu vực hóa cuộc xung đột” nếu không tìm ra được  một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm qua tại quốc gia này.

Hơn 40 binh sĩ Syria, 7 binh sĩ Iraq thiệt mạng trong trận phục kích xảy ra ngày 4/3 nhằm vào một đoàn xe quân sự Syria tại Iraq.

Trước đó, vào cuối tuần qua, chính quyền Iraq cũng đã ra thông báo, một binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong các vụ bạo lực liên quan tới xung đột tại Syria.

ban_ki_moon1.jpg
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi cần có giải pháp chính trị cho Syria (Ảnh AFP)

Trong khi đó, Liên minh đối lập tại Syria cáo buộc Chính phủ Iraq đã “gia tăng các động thái can dự vào Syria và tấn công nhân dân Syria”.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Syria bùng phát hồi đầu năm 2011, Iraq đã  nhiều lần từ chối yêu cầu của một số nước phương Tây và khu vực kêu gọi Tổng thống Syria, Bachar al-Assad từ chức. Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, một người Hồi giáo dòng Shitte còn công khai lập trường không can dự vào tình hình Syria.

Theo các nhà phân tích, Iraq sẽ không thể đứng ngoài lề, bởi những lợi ích của nước này có liên quan chặt chẽ với Iran, một đồng minh của chính quyền Tổng thống Syria Bachar al-Assad.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng tại Syria đã làm sâu sắc hơn tình trạng chia rẽ và đối đầu tôn giáo giữa hai cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite và Sunni. Chính vì thế, những xung đột phát sinh từ cuộc khủng hoảng tại Syria, như cuộc khủng hoảng trong quan hệ với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ hay ảnh hưởng tại Lebanon và Iraq có thể làm sâu sắc hơn những tư tưởng phe phái và sắc tộc tồn tại lâu nay tại khu vực.  

Không chỉ thế, cuộc khủng hoảng tại Syria cũng làm gia tăng sự phức tạp đối với vấn đề người Kurd trong khu vực. Hiện khoảng 3 triệu người Kurd đang sinh sống tại phía Bắc Syria và đều tỏ ra không hài lòng với cả chính phủ của Tổng thống Assad, cũng như lực lượng đối lập.

Lo ngại về vấn đề quyền lợi của mình trong tương lai, người Kurd tại Syria đang hợp tác với những người anh em của mình tại phía Bắc Iraq để thành lập một khối tự trị chống lại những người Arab. Chắc chắn, đây là điều mà tất cả các nước Arab cũng như quốc tế đều không muốn, bởi nó có thể gây mất ổn định toàn bộ Trung Đông, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh và hòa bình thế giới.

Trong bối cảnh này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng tại Syria diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Ông nói: “Tôi thực sự đau lòng trước những gì đang xảy ra tại Syria. Rất nhiều người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này trong khi chúng ta không có một giải pháp chính trị nào. Tôi biết rằng, Chính phủ Syria đã thể hiện mong muốn đối thoại với các đại diện đối lập. Chúng ta cần phải tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất nếu không cánh cửa cho việc giải quyết xung đột tại Syria sẽ đóng lại.”./.