Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Syria tiếp tục leo thang nghiêm trọng, Mỹ và Nga, hai nước vốn bất đồng sâu sắc về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để chấm dứt tình trạng bạo lực càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị vẫn nhận định, chính phủ Mỹ hiện chưa quyết định can thiệp quân sự trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phe đối lập Syria, bởi điều này sẽ khiến họ bị “sa lầy” vào cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 1/3, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cảnh báo rằng cuộc xung đột ngày càng leo thang tại Syria đang dẫn quốc gia Trung Đông này đến "sự tan rã".

Ông Ban Ki-moon thúc giục các bên xung đột tại Syria nhanh chóng đối thoại để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Ông nói: “Tôi biết rằng, chính phủ Syria bày tỏ mong muốn sẵn sàng gặp đại diện phe đối lập. Cánh cửa đối thoại giữa hai bên là rất hẹp và chúng tôi khuyến khích họ tận dụng cơ hội này, bởi nếu không cánh cửa đó sẽ sớm đóng lại”.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc kêu gọi một nỗ lực mới nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của gần 70.000 người trong hai năm qua, đồng thời khẳng định giải pháp quân sự sẽ chỉ càng đẩy Syria vào tình trạng bất ổn.

sa%20lay%20chien%20truong%20syria.jpg
Những người này nằm rạp xuống trên đường phố Aleppo, Syria, do hỏa lực bắn tỉa (ảnh: AP)

Trong khi đó, Mỹ và Nga đã nhất trí về "sự cần thiết phải đẩy nhanh chuyển giao chính trị" cũng như hợp tác chặt chẽ để chấm dứt tình trạng bạo lực ở Syria càng sớm càng tốt. Tại cuộc điện đàm hôm 1/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Barack Obama cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov "tiếp tục can dự" về tình hình Syria. Nga và Mỹ lâu nay vẫn bất đồng về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi Mỹ muốn ông Assad phải ra đi, Nga lại cho rằng không thể coi việc Tổng thống Syria từ bỏ quyền lực là điều kiện tiên quyết cho một thỏa thuận đạt được qua đàm phán.

Cùng ngày, tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những chặng dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó chủ yếu bàn về cuộc khủng hoảng Syria.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, ông Kerry cho biết, Mỹ hy vọng sẽ có một tiến trình chuyển giao chính trị hòa bình tại Syria.

“Tôi muốn nói rằng, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có cùng một số mục tiêu liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria,” ông Kerry nói. “Bên cạnh đó, chúng tôi còn đang có những bước đi nhằm tăng cường hợp tác ứng phó với tình hình hiện nay tại Syria”.

Trong một diễn biến khác, nhận định về động thái của Mỹ sau khi chính quyền nước này thông báo sẽ tăng gấp đôi viện trợ cho lực lượng đối lập Syria, nhưng không bao gồm vũ khí như yêu cầu của lực lượng này, nhà phân tích chính trị Syria Tarek Ahmad cho rằng, chính phủ Mỹ hiện không muốn bị cuốn vào cuộc khủng hoảng vì lo ngại các biện pháp can thiệp quân sự trực tiếp hoặc gián tiếp có thể sẽ khiến Mỹ bị sa lầy vào cuộc chiến tại Syria trong nhiều năm.

“Mỹ sẽ không lật đổ chính phủ hiện nay của Syria bằng sức mạnh quân sự, bởi điều này sẽ khiến Syria rơi vào tình trạng rối ren trong 10 năm, thậm chí là 20 năm,” Ahmad phân tích. “Với vị trí địa chiến lược quan trọng của Syria, cuộc khủng hoảng sẽ lan rộng ra khắp khu vực”.

Để khẳng định thêm cho nhận định trên, nhà phân tích chính trị Tarek Ahmad dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại hội nghị “những người bạn Syria” vừa diễn ra ở Italy cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Syria có thể tác động đến các nước láng giềng và thậm chí là toàn bộ khu vực. Ông Kerry cho biết, Mỹ lo ngại việc vũ trang cho phe đối lập Syria có thể khiến số vũ khí viện trợ rơi vào tay các nhóm cực đoan.

Các nhà phân tích chính trị Syria cho rằng, quyết định tăng viện trợ cho lực lượng đối lập Syria của chính phủ Mỹ là nhằm đáp ứng một phần yêu cầu của phe đối lập cũng như một số nước ủng hộ lực lượng này.

Hiện chính phủ Syria chưa có bình luận về hội nghị “Những người bạn Syria”, trong khi một số nhóm đối lập như Ủy ban phối hợp quốc gia vì sự thay đổi dân chủ cho rằng, hội nghị không có gì mới, vì chỉ nhận được sự ủng hộ của Liên minh dân tộc Syria. Đây là tổ chức được phương Tây coi là đại diện hợp pháp của người dân Syria./.