Tiến trình giải giáp vũ khí hóa học tại Syria đang đạt được những tiến triển khả quan. Ngày 8/10, các chuyên gia Tổ chức Cấm vũ khí hóa học quốc tế tiếp tục công việc giám định và phá hủy các loại vũ khí hóa học cũng như các thiết bị chế tạo vũ khí. Sự kiện này đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, bởi nó có thể góp phần chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Syria.

syria-idlib-airstrike.jpg
Các tay súng của lực lượng đối lập Syria trong một cuộc đụng độ với quân đội Chính phủ ở Aleppo (Ảnh: Press TV)

Đài Truyền hình Nhà nước Syria ngày 8/10 tiếp tục phát đi hình ảnh các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học làm việc tại một nhà máy vũ khí hóa học của Syria. Điều đặc biệt, người ta còn thấy các lực lượng của chính phủ Syria tham gia quá trình tiêu hủy vũ khí, bao gồm các đầu đạn tên lửa, bom và các thiết bị nhằm sản xuất vũ khí hóa học.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học có trụ sở tại La Haye, Hà Lan cùng ngày thông báo gửi nhóm thanh sát viên thứ 2 tới Syria nhằm đẩy nhanh tiến trình giám định và phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Dù không nêu rõ thành phần cũng như thời điểm cụ thể, song, thông báo một lần nữa cho thấy tiến trình giải giáp vũ khí hóa học tại Syria đang diễn ra thuận lợi.

Hãng tin RIA Novosti (Nga) ngày 8/10 dẫn phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Bali hoan nghênh thái độ hợp tác tích cực của phía Syria. Theo ông Putin, lãnh đạo Syria đã hợp tác rất tích cực và hành xử minh bạch trong việc trợ giúp các cơ quan quốc tế, đồng thời bày tỏ hy vọng công tác thanh sát vũ khí hóa học sẽ tiếp tục được duy trì với nhịp độ và tinh thần như hiện nay.

Các chuyên gia quốc tế và Mỹ cũng hoan nghênh sự hợp tác của chính quyền Syria. Trong thông báo, Tổng Giám đốc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học quốc tế hoan nghênh tinh thần hợp tác và xây dựng của Chính phủ Syria.

Trung Quốc cũng chính thức đưa ra đề xuất hỗ trợ nhân lực và tài chính cho quá trình giải giáp  kho vũ khí hóa học của Syria.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều có chung nhận định, vấn đề vũ khí hóa học chỉ là một trong những yếu tố phức tạp của cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua ở Syria. Phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon một lần nữa kêu gọi các bên trong xung đột nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị. Theo ông, nếu xung đột tiếp tục leo thang, sẽ không chỉ có hơn 4 triệu người Syria phải tị nạn ngay trên chính quê hương của mình và 2 triệu người khác phải tị nạn ở nước ngoài. Con số này sẽ còn tăng lên gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi vào năm sau.

Nga và Mỹ cũng vừa nhất trí tổ chức một hội nghị quốc tế về hòa bình Syria dự kiến diễn ra vào giữa tháng 11 tới tại Geneva (Thụy Sĩ). Theo Tổng thống Nga Putin, Nga và Mỹ đều có những mục tiêu chung và những bất đồng chỉ là về mặt chiến thuật. Ông Putin cũng đề nghị mời các nước có ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo, đặc biệt là Indonesia (quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới) tham gia hội nghị.

Tuy nhiên, một tương lai hòa bình cho người dân Syria vẫn còn nhiều trở ngại khi mà chương trình nghị sự cho một hội nghị như thế vẫn là một câu hỏi lớn. Bởi tới nay, chính quyền Syria vẫn bác bỏ mọi tiến trình buộc Tổng thống Bashar al- Assad phải ra đi, trong khi phe đối lập lại coi đây là một yêu cầu tiên quyết.

Trước đó, Hội nghị Geneva lần thứ 2 theo kế hoạch ban đầu được tổ chức vào tháng  9 vừa qua, song cuối cùng đã không thể diễn ra, sau những tranh cãi và căng thẳng giữa các bên liên quan./.