Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 20/10 nhậm chức nhiệm kỳ 2 với thời hạn 5 năm. Là vị Tổng thống Indonesia đầu tiên không thuộc thế hệ những nhân vật quân đội và chính trị “lão làng” vốn cầm quyền đất nước này trong nhiều năm, Tổng thống “ngoại đạo” Joko Widodo được cử tri quốc gia “ vạn đảo” kỳ vọng sẽ tiếp tục thực hiện các cải cách và đưa ra những chính sách quyết liệt hơn để thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

tong_thong_widodo_ljga.jpg
Tổng thống Indonesia Widodo. Ảnh: Nikkei.

Phát biểu trước Quốc hội sau lễ nhậm chức, ông Widodo cho biết giấc mơ của ông đó là đưa Indonesia trở thành 1 trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2045, với GDP trị giá 7.000 tỉ USD. Tổng thống Widodo cũng cam kết tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng để củng cố tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng ưu tiên hàng đầu trong việc khuyến khích đầu tư và tạo việc làm cho lực lượng dân số trẻ 260 triệu người.

Ông Widodo lạc quan bày tỏ: “Tiềm năng đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là rất lớn. Indonesia có lực lượng dân số ở độ tuổi sản xuất cao. Đây là một thách thức nhưng đồng thời cũng là một cơ hội lớn. Sẽ là một vấn đề lớn nếu chúng ta không tạo ra đủ cơ hội việc làm. Giấc mơ của chúng ta là vào năm 2045 đạt GDP 7.000 tỷ USD, và Indonesia sẽ trở thành một trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới với tỉ lệ nghèo đói gần 0%. Chúng ta phải đạt được điều này.”

Và để thực hiện được giấc mơ tham vọng này, Tổng thống Widodo bày tỏ mong muốn sẽ có những bộ trưởng sáng tạo, hiệu quả và chăm chỉ trong Nội các nhiệm kỳ thứ 2. Ông Widodo dự kiến thông báo Nội các trong ngày 21/10, nhưng có khả năng bị trì hoãn đến ngày sau. Dự kiến có 34 bộ trưởng trong Nội các, với khoảng 16 bộ trưởng từ các đảng chính trị.

Lãnh đạo một đất nước với 17.000 đảo và có dân số đông đứng hàng thứ tư thế giới, thách thức mà Tổng thống Widodo đối mặt là không ít, đặc biệt trong vấn đề kinh tế. Chưa được như kì vọng nhưng tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Indonesia trong nhiệm kỳ 1 được đánh giá là ổn định.

Tuy nhiên, cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra mới đây cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Indonesia thậm chí còn xuống dưới mức 5% trong năm nay. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế trì trệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang gây thất vọng bất chấp một số cải cách của chính phủ.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Indonesia thời gian qua chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng là do nước này không thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Chuyên gia phân tích Djayadi Hana thuộc trung tâm nghiên cứu Saiful Mudjani ở Jakarta cho rằng ông Joko Widodo cần rút ra được những bài học trong Nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên để có những chính sách cải cách mạnh mẽ, quyết đoán và thực chất hơn nữa nhằm thực hiện các mục tiêu còn dang dở.

Ông cho biết: “Ông Joko Widodo sẽ tiếp tục các ưu tiên và chính sách trong nhiệm kỳ 1. Tôi nghĩ bên cạnh việc tiếp tục các dự án cơ sở hạ tầng,  Tổng thống cũng nên tập trung vào việc phát triển nguồn lực con người. Đã đến thời điểm ông Widodo cần có sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, quyết định hơn đối với các ưu tiên của mình”.

Rõ ràng nhiệm kỳ 2 của ông Widodo sẽ không trải hoa hoa hồng với hàng loạt các thách thức bao gồm kinh tế, tham nhũng, giáo dục, tôn giáo…Tuy nhiên với quyết tâm không phụ sự tin tưởng của người dân lần thứ 2 bỏ phiếu cho ông, Tổng thống Widodo khẳng định những điều chưa thể thực hiện trong nhiệm kỳ 1, ông sẽ biến nó thành sự thật trong 5 năm tới./.