Không còn là một vị “Tổng thống ngoại đạo” như 5 năm trước, với những kinh nghiệm tích luỹ được trong thời gian qua, giai đoạn 2019-2024 tiếp theo sẽ là giai đoạn mà Joko Widodo hoàn thành những gì ông đã bắt đầu trong nhiệm kỳ một và thực hiện những kế hoạch đưa ra trong nhiệm kỳ hai. Những thách thức nào đang đợi Tổng thống Joko Widodo trong nhiệm kỳ này.
Tổng thống Indonesia, Joko Widodo. Nguồn : Fillron |
Một lần nữa đánh bại cựu tướng quân đội Prabowo Subianto, đây là nhiệm kỳ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của Joko Widodo, vị Tổng thống chưa từng thất bại trong các cuộc bầu cử. Nếu như trước đó, ông đã chiến thắng với hi vọng của người dân về một “luồng gió mới” cho đất nước, thì tới đây, vị Tổng thống này cần nhấn mạnh khả năng lãnh đạo của mình và để lại các di sản sau nhiệm kỳ tiếp theo. Như vậy, thách thức đặt ra với Tổng thống Joko lớn hơn nhiều so với giai đoạn đầu rất nhiều.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình
Các nhà phân tích cho rằng thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ này với Jokowi không phải là chính trị mà là kinh tế. Indonesia đã giảm mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế, chỉ từ 5-6% cho giai đoạn 2019-2024, thay vì 8% như trước đó. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ của Jokowi cần có những bước đi cụ thể, tính toán đến tác động của khu vực và thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh gia tăng căng thưởng thương mại Mỹ-Trung, làm sao để Indonesia không trở thành nạn nhân của hai gã khổng lồ kinh tế này là một bài toán đặt ra với Jokowi.
Rào cản trong dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng khiến cho tăng trưởng kinh tế Indonesia bị chững lại trong thời gian qua. Hiện nay, chỉ có khoảng 10 phần trăm người Indonesia trả thuế cá nhân. Bởi vậy, thuế đầu tư nước ngoài là điều mà nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này thực sự cần. Giai đoạn qua, Indonesia chỉ có một dự án được hỗ trợ bởi Sáng kiến Vành đai và Con đường Trung Quốc (BRI), đó là tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung. Hiện dự án này đang bị chậm tiến độ.
Tom Lembong, Trưởng ban điều phối đầu tư và là đồng minh của Jokowi, cho biết Tổng thống sẽ "tiếp tục hoặc thậm chí đẩy nhanh cải cách chính sách kinh tế" và mở cửa nền kinh tế Indonesia ra thế giới. Ông cũng sẽ dành nhiều sự quan tâm cho việc cải cách hệ thống thuế để thân thiện hơn với đầu tư nước ngoài. Tổng thống Indonesia tuyên bố sẽ mạnh tay chống tham nhũng, quyết tâm đưa Indonesia trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2045.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã trở thành thành tựu chính của Jokowi trong giai đoạn đầu tiên. Suốt giai đoạn này, ông đã xây dựng được hàng ngàn Km đường bộ, đường sắt, bến cảng và sân bay. Hàng tỷ rupiah đã được chi cho các dự án trên toàn đất nước.
Phát triển cơ sở hạ tầng, một trong những ưu tiên của Tổng thống Joko Widodo. |
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Tổng thống Joko Widodo vẫn nhấn mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng tập trung nhiều hơn vào việc hoàn thành các dự án còn dang dở, như Hệ thống tàu điện ngầm LRT, các cảng hậu cần, đập thuỷ điện và tiếp tục phát triển các sân bay. Indonesia rất cần tiền cho tất cả các dự án trên.
Theo ông Bhima Yudhistira, nhà nghiên cứu của Viện phát triển Kinh tế và Tài chính, chính phủ sẽ phải chi khoảng 350 tỷ USD cho việc phát triển các cơ sở hạ tầng trên. Nếu hoàn thành được các dự án cơ sở hạ tầng theo kế hoạch, nhiệm kỳ của Tổng thống Joko Widodo coi như thành công với việc để lại nhiều di sản cho quốc gia.
Bài toán về sự hoà hợp dân tộc
Lãnh đạo một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo và cũng là quốc gia có số dân theo Đạo Hồi lớn nhất thế giới không phải là điều đơn giản. Cuộc bạo loạn diễn ra sau tổng tuyển cử vừa qua tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chia rẽ trong xã hội liên quan đến tôn giáo.
Thời gian qua, Tổng thống Jokowi đã cố gắng xây dựng mối quan hệ thân thiện hơn với Hồi giáo, bằng cách bổ nhiệm Ma'ruf Amin, một giáo sĩ Hồi giáo làm liên danh của mình. Ông cũng rất siêng năng trong việc đến thăm các khu vực mà các đối thủ của ông giành được lợi thế trong cuộc bầu cử trước như miền Tây Java, Banten, Aceh và Tây Sumatra.
Tuy nhiên trong cuộc bầu cử vừa qua, Jokowi có xu hướng giành chiến thắng ở các khu vực có dân số thiểu số không theo đạo Hồi như Bali, Papua và Đông Nusa Tenggara. Trong khi ở những khu vực có dân số Hồi giáo bảo thủ, như Aceh và miền Sumatra, thất bại của Jokowi thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với kì bầu cử trước.
Tiếp đó, mặc dù liên minh đảng ủng hộ Jokowi đã kiểm soát được hơn một nửa số ghế trong quốc hội với 560 thành viên, chính phủ của ông vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể đến từ các đảng chính trị đối lập. Bởi vậy, muốn duy trì sự ổn định chính trị trong giai đoạn tiếp theo, Jokowi và Phó tổng thống của ông sẽ phải giải được bài toán về sự hòa hợp dân tộc.
Người dân Indonesia hy vọng rằng, sau khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 10 tới đây, Joko Widodo, nhân vật thường thận trọng trong các bước đi của mình, sẽ sử dụng ảnh hưởng chính trị để vượt qua những khó khăn và giải quyết xung đột lợi ích cản trở tiến trình phát triển của quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á này./.