Hội nghị các Bộ trưởng Năng lượng G7 vừa kết thúc ở Hamburg, Đức được đánh giá là rất thành công khi thể hiện được sự đồng thuận chưa từng thấy trong cuộc chiến ngăn chặn đà nóng lên của trái đất.
Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức, ông Sigmar Gabriel cho rằng “chưa khi nào các nước G7 lại thống nhất với nhau đến thế trong việc đưa ra các mục tiêu chung”.
Cụ thể, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào đầu tháng 6 tới tại Munich, Đức, các nguyên thủ G7 sẽ dành một thời lượng quan trọng để bàn về các chính sách chống biến đổi khí hậu.
Sau đó, các chính sách này sẽ được bàn thảo kỹ càng tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu diễn ra vào cuối năm nay tại Paris để hiện thực hóa một tham vọng rất lớn là đưa ra được một Thỏa thuận toàn cầu về ngăn không cho trái đất nóng lên thêm 2 độ C.
Đây là các bước đi rất quan trọng và lạc quan cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vào hồi tháng 3 vừa qua, Liên minh châu Âu đã nhất trí thông qua mục tiêu từ nay đến năm 2030 giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 1990. Với các cam kết này, Liên minh châu Âu trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên áp dụng các biện pháp khắt khe nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Theo các nhà quan sát, sắp tới chính phủ Mỹ và các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Trung Quốc, cũng sẽ phải có những cam kết chặt chẽ hơn cho vấn đề này, nhất là Trung Quốc, nơi sự phát triển công nghiệp với tốc độ cao trong nhiều năm qua đã gây ra những tác hại lớn về môi trường.
Đối với nước chủ nhà Pháp của Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu cuối năm nay, đây cũng là tín hiệu mừng bởi khi các nền kinh tế lớn của G7 đã có sự đồng thuận lớn như hiện nay thì khả năng ra được một Thỏa thuận toàn cầu về khí hậu tại Paris là rất lớn.
Đây là Hội nghị đặc biệt quan trọng về môi trường khi có tới trên 200 quốc gia sẽ tham dự, tại HN thượng đỉnh về khí hậu gọi tắt là COP 21 vào tháng 12 năm nay./.