Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước thành viên Nhóm các nền Kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) khai mạc ngày 4/4, tại Mexico.

Hội nghị nhằm nỗ lực xây dựng sự nhất trí giữa các nhà lập pháp trong việc vực dậy kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng bổ sung thêm một kênh hợp tác về mặt lập pháp để đảm bảo tính thống nhất với những chính sách mà lãnh đạo và Chính phủ các nước G20 vừa thông qua.

 

g20-1.jpg
Hội nghị G20 (Ảnh Reuters)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Thượng viện Mexico, Ernesto Cordero Arroyo cho rằng, Quốc hội các nước G-20 có trách nhiệm thúc đẩy các đạo luật phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, và thể hiện cam kết của từng nước đối với vận mệnh của thế giới.

Ông Cordero nhấn mạnh: “Sẽ là không đủ nếu chỉ có bộ máy hành pháp các nước nhất trí về một vấn đề trong khi bộ máy lập pháp lại có ý kiến trái ngược. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải tăng cường thông tin liên lạc giữa quốc hội các nước. Sự phối hợp này sẽ giúp các nền kinh tế đưa ra những quyết định hiệu quả và tôi tin rằng, vòng tham vấn này sẽ cho chúng ta cơ hội để đưa ra những kết luận thực tế và đề xuất cụ thể để thông qua những đạo luật cải thiện đời sống người dân ở mỗi nước”.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội và Đại diện các quốc gia thành viên tiến hành thảo luận theo nhóm chủ đề gồm: Cải cách hệ thống Tài chính và Phòng chống tham nhũng, Cải cách để hồi phục tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy thương mại, Hoạt động của Quốc hội và các chính sách công nhằm đảm bảo an ninh lương thực và ổn định giá nguyên liệu…

Chủ tịch Hội đồng Shura của Saudi Arabia, Abdullah Al Sheikh cho rằng:“Hội nghị này sẽ là một điểm sáng để thảo luận về con đường phát triển bền vững cho tất cả mọi người trên thế giới. Chúng ta có những lợi ích chung để đưa ra kết quả tích cực. Chúng ta cần một hiệp định phù hợp để duy trì hòa bình và công bằng trên thế giới dựa trên công lý, đối thoại, hợp tác, vì lợi ích của tất cả mọi người”.

Ngoài các nước thành viên G-20, tham dự Hội nghị này còn có các nước Chile, Colombia, Tây Ban Nha, Maroc và Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới với tư cách quan sát viên. Sự tham gia đông đảo của các nước thành viên cho thấy hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tại từng quốc gia./.