Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Australia hôm nay bước vào ngày họp thứ 2 với kế hoạch đưa ra một tuyên bố chung sau hội nghị, nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh vấn đề kinh tế toàn cầu, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng là nội dung được quan tâm tại hội nghị lần này, với hàng loạt các cuộc gặp song phương và đa phương bên lề nhằm tìm ra một giải pháp giúp tháo gỡ thế bế tắc hiện nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/11 đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bên lề hội nghị. Dmitry Peskov -Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết tại các cuộc gặp, các bên nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh mối quan hệ giữa các nước đang bị xấu đi do liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Anh Cameroon, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cần khôi phục mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, áp dụng những biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, điều này sẽ tạo cơ hội loại bỏ những quan điểm đối đầu giữa các bên về quốc gia Đông Âu này.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Pháp Hollande, ông Putin và ông Hollande cũng chú trọng vào vấn đề Ukraine, khẳng định các bên đều chịu thiệt hại do tình hình khủng hoảng ở miền Đông-Nam, cũng như do các biện pháp trừng phạt áp đặt kéo dài đối với Moscow. Dự kiến Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 16/11 sẽ tiếp tục có cuộc gặp với lãnh đạo Mỹ, Anh và Pháp để thảo luận về tình hình Ukraine.
Sức ép gia tăng lên Nga tại Hội nghị G20 lần này liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong một cuộc gặp khá hiếm hoi bên lề Hội nghị cấp cao G20, lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Australia hôm qua thể hiện sự đoàn kết trong việc phản đối Nga sáp nhập Crimea, cũng như có bước đi làm mất ổn định tại phía đông Ukraine.
Phản ứng trước các cảnh báo này, Tổng thống Nga Putin cho rằng, trừng phạt đang gây thiệt hại cho Nga nhưng cũng mang lại một số lợi ích cho nước này. Việc giới hạn áp đặt đối với các công ty của Nga mua một số hàng hóa từ những nước phương Tây đang tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước.
Tổng thống Putin cũng bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm tới, 2,3 % trong năm 2016 và 3% trong năm 2017. Đề cập mối quan hệ với các nước phương Tây, ông Putin khẳng định, Nga muốn có mối quan hệ bình thường với các đối tác phương Tây, bao gồm Mỹ và châu Âu.
“Tất nhiên chúng tôi hi vọng tình hình thay đổi theo chiếu hướng tốt hơn với việc chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga cũng muốn có mối quan hệ bình thường với các đối tác bao gồm Mỹ và châu Âu. Tất nhiên những gì đang xảy ra mà chúng ta gọi là các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, nền kinh tế thế giới và trước tiên là mối quan hệ Nga- EU”, ông Putin cho hay.
Trong khi các nỗ lực ngoại giao đang được tăng cường tại Hội nghị cấp cao G20, những diễn biến tại phía đông Ukraine không có dấu hiệu giảm nhiệt. Trong một động thái có thể khiến tình hình thêm căng thẳng, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 15/11 quyết định đóng cửa các cơ quan nhà nước và dịch vụ ngân hàng tại miền Đông để gây áp lực với lực lượng đối lập. Các sắc lệnh của Tổng thống nêu rõ, tất cả các công ty nhà nước, thể chế và tổ chức phải hoàn thành công việc trong một tuần, sơ tán nhân viên, tài sản đến địa điểm thuận lợi hơn.
Ukraine đã cắt tất cả ngân sách nhà nước cho lực lượng đối lập ở miền Đông sau khi khu vực này tổ chức bầu cử vào ngày mùng 2/11 vừa qua. Lực lượng đối lập cáo buộc Ukraine vi phạm thỏa thuận vì đã rút lại luật trợ cấp cho khu vực tự trị, đặt lệnh ngừng bắn trước nguy cơ đổ vỡ./.