Ngày 8/10, Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã cho ra mắt Cơ chế bình ổn châu Âu trị giá 500 tỷ euro nhằm chống lại căn bệnh nợ công đang đe dọa châu Âu.

khu-vu-eurrozone.jpg
Ảnh: AFP

Phát biểu tại lễ ra mắt Cơ chế bình ổn châu Âu, Chủ tịch của Nhóm các Bộ trưởng tài chính châu Âu ông Jean-Claude Juncker nhấn mạnh, cơ chế bình ổn châu Âu không phải là một biện pháp đơn độc mà là một bộ phận của các chính sách kinh tế tổng hợp của khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Ông Juncker cho rằng: “Sự ra mắt của cơ chế bình ổn châu Âu trên thực tế là một cột mốc quan trọng trong việc định hình liên minh tiền tệ của châu Âu. Khu vực châu Âu đang được trang bị một bức tường lửa thường xuyên và hiệu quả, tất nhiên, đây là một phần trong chiến lược toàn diện của chúng tôi để đảm bảo sự ổn định tài chính trong liên minh tiền tệ”.

Ông Juncker cũng tuyên bố, Giám đốc điều hành của Cơ chế bình ổn châu Âu là ông Klaus Regling. Cơ chế bình ổn châu Âu được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các nước đang gặp nhiều khó khăn trong Khu vực và đổi lại họ phải tiến hành các cải cách tài chính và cấu trúc để thúc đẩy nền kinh tế.

Ngoài mục đích chính duy trì sự ổn định tại châu Âu bằng cách hỗ trợ tài chính cho các nước gặp khó khăn, Cơ chế bình ổn châu Âu còn có thể bơm tiền trực tiếp cho những ngân hàng thiếu vốn trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, đồng thời cũng được phép mua trái phiếu tại thị trường thứ cấp, giúp giảm sức ép đối với các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu gặp khó khăn khi phải vay mượn tiền với lãi suất cao./.