Khu vực đồng tiền chung châu Âu vừa bước sang một trang mới quan trọng trong lịch sử với việc bổ nhiệm ông Jeroen Dijsselbloem, người Hà Lan, 46 tuổi làm người đứng đầu Nhóm Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurogroup). Ông Dijsselbloem sẽ thay thế ông Jean - Claude Juncker, người Luxembourg, người đã giữ cương vị Chủ tịch của nhóm này kể từ khi được thành lập năm 2005.

tin-euro22.jpg

Chủ tịch sắp mãn nhiệm Jean-Claude Juncker (phải) và Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem đi bộ ở Luxembourg hôm 18/1. (ảnh: AP)

Thông cáo sau cuộc họp Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung Euro diễn ra tại thủ đô Bỉ, các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng Euro đã nhất trí bổ nhiệm ông Dijsselbloem, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan làm Chủ tịch.

Nhiệm kỳ 2,5 năm tới của ông Dijsselbloem sẽ bắt đầu vào ngày 17/7/2012. Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, ông Dijsselbloem cam kết sẽ nỗ lực “xây dựng cầu nối giữa các nước nghèo và các nước phát triển, giữa các nước có mức xếp hạng 3 chữ A vàng với những nước chưa đạt được điều này, giữa những nước ủng hộ các chính sách thắt lưng buộc bụng và những nước khác”.

“Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để tăng cường niềm tin, để thúc đẩy một sự tăng trưởng bền vững và tạo thêm việc làm. Chúng ta cần phải duy trì đà hiện nay và làm việc trên cơ sở những quyết định đã được đưa ra, cũng như tiếp tục các cam kết để đạt được những bước tiến cần thiết”.

Trong khi đó, Chủ tịch sắp mãn nhiệm Jean-Claude Juncker bày tỏ “sự hài lòng” về người kế nhiệm của mình, tin tưởng Chủ tịch mới đủ khả năng đảm nhận “trong trách lớn lao này”.

“Cách làm việc của chúng tôi sẽ có nhiều điểm khác nhau. Nhưng trên tất cả, tôi tin rằng người kế nhiệm của mình có tất cả các phẩm chất cần thiết và đủ khả năng đảm nhận vị trí này. Song tôi cũng xin nhắc lại rằng đây là một trách nhiệm rất lớn”.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, ông Dijsselbloem sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, mà lớn nhất là niềm tin. Bởi trên thực tế, dù khá nổi tiếng ở trong nước với vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề như nhập cư, giao thông công cộng, giáo dục, thuế quan hay vai trò trong cuộc đàm phán thành lập Chính phủ liên minh, song ông Dijsselbloem lại không được biết đến nhiều ở nước ngoài. Hơn nữa, bối cảnh nhậm chức của ông cũng không mấy thuận lợi khi mà khu vực đồng tiền chung châu Âu nói riêng và EU nói chung vẫn chưa tìm ra được liều thuốc đặc trị căn bệnh nợ công kéo dài hơn 4 năm qua. Chính vì thế, trọng trách của tân Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ là rất lớn, mà trước mắt là kế hoạch hỗ trợ Cộng hòa Cyprus và vấn đề tái cơ cấu trực tiếp các ngân hàng. Đây đều là những vấn đề được thảo luận trong cuộc họp ngày 21/1, song trong lúc này vẫn chưa thể đưa ra quyết định, do một số rào cản về thể thức, cũng như bất đồng giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, các nhà phân tích kỳ vọng Chủ tịch mới của Nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ mang lại một luồng gió mới cho cuộc khủng hoảng hiện nay, theo như Ủy viên Liên minh châu Âu về các vấn đề kinh tế Olli Rehn nhận định, việc bổ nhiệm Chủ tịch mới đánh dấu “sự bắt đầu của một kỷ nguyên mới”./.