Với 450 triệu dân song cho đến nay Liên minh châu Âu đã đảm bảo được nguồn cung vaccine lên đến 2,3 tỷ liều, với các loại vaccine tiềm năng đến từ 6 công ty cung ứng vaccine trên thế giới.
Trước thực tế này, Liên minh châu Âu muốn chia sẻ bớt vaccine tới các khu vực khác trên thế giới. Trong đó, ưu tiên sẽ được dành cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương trong xã hội tại các nước Tây Balkan, khu vực Bắc Phi và các quốc gia châu Phi nghèo khó thuộc Hạ Sahara.
Phát biểu trước báo giới, Cao ủy Y tế Liên minh châu Âu Stella Kyriakides cho biết, Liên minh châu Âu muốn triển khai cơ chế phân phối vaccine này trước khi cơ chế phân phối vaccine COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới vận hành:
“Chúng tôi đang phối hợp với các quốc gia thành viên để đề xuất cơ chế chia sẻ vaccine ra bên ngoài trước khi cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới được triển khai. Chẳng có quốc gia nào được an toàn, chẳng có nền kinh tế nào được hồi phục đầy đủ cho đến khi virus được kiểm soát tại tất cả các châu lục. Sự xuất hiện của biến thể mới thời gian gần đây là một minh chứng cụ thể nhất”.
Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) là cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine phòng Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế giới khởi xướng để có nguồn kinh phí mua và phân phối vaccine cho các nước nghèo. Mục tiêu của COVAX là đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp 2 tỷ liều vaccine trên khắp thế giới. Những đối tượng được ưu tiên ban đầu là nhân viên y tế và người dân dễ bị tổn thương nhất ở mọi quốc gia tham gia, bất kể mức thu nhập. Theo kế hoạch, việc bàn giao vaccine ngừa Covid-19 theo Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu có thể được triển khai trong tháng 1/2020./.