Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua vấn đề quốc phòng được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh EU.

Kết thúc ngày họp đầu tiên, các nước đều nhất trí bắt đầu thành lập thị trường sản phẩm quốc phòng chung châu Âu.

Với những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế châu Âu khiến vấn đề khủng hoảng tài chính không còn là nội dung chủ đạo trong 2 ngày họp của lãnh đạo các nước EU như những năm trước.

Lãnh đạo EU vẫn chia rẽ về chính sách quốc phòng (Ảnh AFP)

Tại hội nghị lần này, các đại biểu tập trung vào vấn đề cải cách kinh tế và chính sách quốc phòng. Pháp đang đề xuất thành lập một quỹ châu Âu để hỗ trợ hoạt động quân sự của nước này tại Mali và Cộng hòa Trung Phi.

Phát biểu sau ngày họp đầu tiên, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi các đối tác châu Âu tham gia can thiệp quân sự tại Cộng hòa Trung Phi.

Ông Hollande nhấn mạnh rằng nước này cần tiếng nói và sự hiện diện chính trị chứ không phải là tăng thêm số lượng binh lính từ các đối tác châu Âu: “Nhiều cuộc tiếp xúc đang diễn ra và một số cuộc thảo luận cũng đang đạt được kết quả tích cực. Tôi có thể lấy ví dụ về Ba Lan. Nước này có thể cử binh lính tới Cộng hòa Trung Phi phối hợp với quân đội Pháp. Nếu đề nghị này của chúng tôi được xác nhận tại hội nghị hôm nay sẽ được coi là một hoạt động chung của châu Âu, mở đường cho sự hỗ trợ tài chính của châu Âu”.

Tuy nhiên, đề xuất này của Pháp không nhận được sự ủng hộ của một số nước châu Âu, vì họ cho rằng quĩ của khối chỉ được sử dụng để hỗ trợ cho các phái bộ quân sự của toàn bộ EU, chứ không phải một quốc gia riêng rẽ nào. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định, EU sẽ không hỗ trợ tài chính cho một phái bộ quân sự nào mà khối này không có tiếng nói: “Chúng tôi không thể hỗ trợ tài chính cho một phái bộ quân sự nơi mà chúng tôi không có tiếng nói. Tuy nhiên, có một lí do tốt cho việc can thiệp quân sự, ví dụ như tại Cộng hòa Trung Phi, Mali. Vì vậy, cần xem xét lại cơ chế này. Chúng ta cần phải đẩy nhanh hơn quyết định nhưng đây rõ ràng phải là một quyết định châu Âu thực sự”.

Một số nước cũng lên tiếng sẵn sàng cử binh linh lính tới Cộng hòa Trung Phi nhưng phải là một phần trong phái bộ quân sự của Liên minh châu Âu.

Bên cạnh sự chia rẽ về đề xuất của Pháp, các nước châu Âu cũng không đạt được sự đồng thuận trong chính sách quốc phòng chung. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị vũ khí tổng hợp và phối hợp chính sách quốc phòng giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron ngay lập tức bác bỏ bất cứ sáng kiến nào theo kiểu “một liên minh quốc phòng thực sự”.

Mặc dù vậy, các nước EU ngày 19/12 cũng nhất trí bắt đầu xây dựng thị trường sản phẩm quốc phòng chung châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết, chính sách quốc phòng châu Âu được thực hiện theo 3 phương hướng: xây dựng một thị trường sản phẩm quốc phòng chung châu Âu, tăng cường phát triển ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu,  tìm kiếm những khả năng mới để các nghiên cứu khoa học tân tiến nhất được áp dụng cả trong lĩnh vực dân sự và quân sự.

Bên cạnh vấn đề quốc phòng, cải cách kinh tế giúp châu Âu phục hồi bền vững cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Khá hài lòng với một thỏa thuận liên minh ngân hàng đạt được ngay trước thềm hội nghị, các nhà lãnh đạo EU tham dự cuộc họp ngày thứ 2 tiếp tục đưa ra kế hoạch cho những bước đi tiếp theo trong việc phối hợp hoạt động chính sách kinh tế của khối đến cuối năm 2014./.