Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí sẽ thúc đẩy một kế hoạch toàn diện nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên căng thẳng liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đây là một phần nội dung trong tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh 28 quốc gia thành viên EU kết thúc ngày 21/3 tại Brussels (Bỉ).
Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu (EC) cần phải xem xét nghiên cứu các khía cạnh sau: thứ nhất là khả năng đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng truyền thống cho các nước EU, trong đó tính đến triển vọng khai thác khí đá phiến sét tại Ba Lan và Anh.
Thứ hai là mở rộng các nhà cung cấp năng lượng nước ngoài, có tính đến dự án "hành lang khí đốt phương Nam" có thể vận chuyển khối lượng lớn khí đốt từ khu vực Caspi tới châu Âu thông qua một mạng lưới các đường ống dẫn không đi qua Nga.
Thứ ba: đánh giá tác động của việc thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng thay thế ở châu Âu, và cuối cùng là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế châu Âu.
Kết quả nghiên cứu sẽ được trình lên hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 6 tới.
Tại hội nghị ở Bỉ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nêu rõ: “Chúng ta gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng châu Âu cần nhanh chóng giảm sự phụ thuộc năng lượng đặc biệt là từ Nga. Chúng ta có thể làm điều đó bằng việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung và mở rộng các nguồn năng lượng tái sinh”.
Đánh giá về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa châu Âu và Nga liên quan vấn đề năng lượng, Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu sau khi kết thúc hội hội nghị cho rằng, Nga phụ thuộc nhiều hơn vào châu Âu, vì bán khí đốt mang lại nguồn thu quan trọng cho Nga.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, EU có thể đa dạng hóa nguồn cung khí đốt nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama, dự kiến sẽ thăm Bỉ vào tuần tới, có thể nhất trí nới lỏng các quy định về xuất khẩu khí đốt của Mỹ, đặc biệt là khí đốt từ đá phiến (shale gas).
“Hiện nay có một số nước châu Âu phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga, một số nước khác nhập khẩu 15% đến 20%. Điều này có nghĩa là vấn đề đa dạng hóa nguồn cung năng lượng đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều nước cũng đã làm được điều này và nếu Mỹ quyết định xuất khẩu khí đốt thì họ sẽ cần xây dựng cơ sở hạ tầng và đây sẽ là nền tảng để thực hiện đa dạng hóa nguồn cung năng lượng”- Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.
Mặc dù vậy, đề xuất của Thủ tướng Đức sẽ khó có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần, bởi việc mở rộng xuất khẩu khí đốt hóa lỏng từ Mỹ sang châu Âu sẽ phải mất vài năm để xây dựng hệ thống đường dẫn khí đốt và chi phí rất đắt đỏ. Điều này cũng sẽ khiến giá khí đốt tại Mỹ tăng cao.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 10 năm, các nhà lãnh đạo châu Âu yêu cầu Ủy ban châu Âu soạn thảo kế hoạch giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga. Lần đầu tiên là năm 2006, sau cuộc "khủng hoảng năng lượng" lần thứ nhất giữa Nga và Ukraine, bắt nguồn từ căng thẳng giữa hai nước liên quan sự kiện gọi là "cách mạng Cam" năm 2004. Hiện, Nga cung cấp tới gần 60% nhu cầu dầu và khí đốt của các nước EU.
Theo số liệu của Eurostat, bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong giai đoạn từ 2006-2012, lượng khí đốt nhập khẩu của các nước EU đã tăng từ 336 triệu tấn lên 346 triệu tấn/năm. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu khí đốt của Nga sang các nước EU lại liên tục tăng, trước hết liên quan tới việc nguồn cung từ khu vực Bắc Phi giảm khi nhiều nước khu vực này rơi vào bất ổn do sự kiện "mùa Xuân Arập"./.