Theo thông tin được công bố, các công ty RWE và E.on của Đức đang lên kế hoạch cung cấp khí đốt ngay lập tức cho Ukraine với khối lượng đủ dùng trong nhiều tuần. Trong trường hợp khẩn cấp, khi tập đoàn quốc doanh Gazprom của Nga cắt nguồn cung khí đốt, dòng khí gas chảy trong hệ thống ống dẫn của châu Âu sẽ được đảo ngược. Nghĩa là, khí đốt sẽ được bơm từ các bể chứa của Đức qua Cộng hòa Czech và Slovakia sang Ukraine. 

image-669408-panov9free-tvuc.jpg
Trong trường hợp Nga cắt khí đốt, dòng khí đốt trong hệ thống ống dẫn của châu Âu sẽ đảo ngược 

Do mùa đông năm nay ít lạnh giá hơn mọi năm, các bể chứa khí đốt của Đức đang có mức tồn lớn hơn thường lệ. Thậm chí, xét ở thời điểm này, Đức có thể cung cấp khí đốt của Ukraine trong thời gian dài.

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang tại Ukraine, cuối tuần trước, Nga đã đưa ra cảnh báo sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Kiev. Ngoài ra, cảnh báo cắt khí đốt do tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom đưa ra khi hạn trả 440 triệu USD của Ukraine vào tháng 2 đã hết. Việc cắt nguồn cung này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt của nhiều khu vực khác của châu Âu, do Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu và 60% khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu đi qua Ukraine.

Vào năm 2012, Ukraine đã ký thỏa thuận khung sơ bộ với công ty RWE của Đức về việc RWE có thể cung cấp khí đốt cho nước này. Đến nay, RWE đã cam kết cung cấp 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho Ukraine nhằm làm đầy các bể chứa khí đốt của nước này trong mùa đông tới.

Mặc dù 35% nhu cầu khí đốt của Đức được đáp ứng bởi Nga, RWE tiếp nhận nguồn cung khí đốt từ Hà Lan và Nauy. Hiện tại, hơn một nửa lượng khí đốt mà Ukraine tiêu thụ hàng năm là do Nga cung cấp.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường tài chính không chỉ của nước này mà cả của Nga. Chỉ số RTS của thị trường chứng khoán Nga đã giảm 21,4% từ đầu năm đến nay, mạnh nhất trên thế giới. Đồng Rúp của Nga mất giá 9,7%, mạnh thứ nhì trong số các đồng tiền của 24 thị trường mới nổi. Đồng Hryvnia của Ukraine mất giá 10,7%.

Hiện Chính phủ lâm thời của Ukraine đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cứu trợ để tránh vỡ nợ.

Cũng trong ngày hôm qua, Ủy ban châu Âu thông báo có thể giảm khoảng 500 triệu Euro tiền thuế mỗi năm cho Ukraine, trong khuôn khổ kế hoạch cứu trợ rộng lớn mà khối này thông báo hồi tuần trước.

Đây được xem là một sự ưu đãi đặc biệt dành cho Ukraine bởi lâu nay biện pháp này chỉ dành cho những nước đã ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu.

Phát biểu với báo chí, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso cho biết, Ủy ban châu Âu đã quyết định một loạt biện pháp thương mại đơn phương, đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ nhận được những ưu đãi về thuế ước tính trị giá 500 triệu Euro mỗi năm.

Theo ông Barroso, đây là một biện pháp hỗ trợ cụ thể và thực chất dành cho Ukraine. Tuy nhiên, quyết định còn cần phải được chính phủ các nước thành viên và Nghị viện châu Âu thông qua.

Hồi tuần trước Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch hỗ trợ lớn đối với Ukraine, với số tiền ước tính khoản 11 tỷ Euro dưới hình thức cho vay, tài trợ và ưu đãi thương mại./.