Ngày 25/3, các quan chức Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận với Cộng hòa Síp về kế hoạch cứu trợ, chặn đứng nguy cơ vỡ nợ tại khu vực ngân hàng nước này.
Thỏa thuận đạt được vào thời hạn chót mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đưa ra là vào hôm nay Cộng hoà Síp phải đáp ứng được các điều kiện để nhận cứu trợ nếu không Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ cắt viện trợ khẩn cấp cho các ngân hàng của Cộng hoà Síp.
Người dân Síp lo ngại về sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng Síp (Ảnh AFP) |
Ngân hàng Síp, ngân hàng số một hiện nắm giữ 1/3 lượng tiền gửi ở quốc đảo này và gần như toàn bộ lượng tiền gửi của Nga, sẽ tiếp quản từ Laiki các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro, theo luật đảm bảo tiền gửi của EU.
Tuy nhiên, Ngân hàng Síp sẽ áp dụng chính sách cắt giảm, thực chất là cưỡng bức xóa nợ một phần, đối với mọi khoản tiền gửi trên 100.000 euro, vốn không được đảm bảo theo luật pháp EU. Theo luật mới, người gửi tiền ở 2 ngân hàng lớn nhất của Cộng hoà Síp có thể bị áp thuế lên tới 40% cho các khoản tiền gửi trên 100.000 euro.
Chủ tịch Eurogroup, nhóm cố vấn gồm các Bộ trưởng Tài chính 17 nước thành viên của Eurozone, ông Jeroen Dijsselbloem cho biết, các Bộ trưởng Tài chính đã thông qua kế hoạch cứu trợ mới cho Cộng hoà Síp, đồng thời tỏ ý hoan nghênh các biện pháp nhằm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở quốc đảo này: “Khu vực đồng euro đã đạt được thoả thuận với Cộng hoà Síp về chương trình hỗ trợ tài chính. Chúng tôi hoan nghênh kế hoạch của Cộng hoà Síp về tái thiết lĩnh vực tài chính. Những biện pháp này sẽ tạo cơ sở cho việc khôi phục lĩnh vực tài chính của nước này”.
Truyền thông Cộng hoà Síp và quốc tế mô tả đây thực chất là hành động tịch thu một phần tiền gửi ngân hàng của người dân cộng hoà Síp. Kế hoạch này vẫn cần được Quốc hội Cộng hoà Síp thông qua. Trước đó, Quốc hội Cộng hoà Síp đã bác bỏ đề xuất đánh thuế lên các khoản tiền gửi lớn nhỏ của người dân. Giới quan sát nhận định vẫn chưa rõ Quốc hội Cộng hoà Síp có đồng ý với đề xuất này hay không. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu biện pháp đánh thuế tiền gửi tiết kiệm này không phải thông qua tại Quốc hội.
Việc đánh thuế tiền gửi ngân hàng chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của những người gửi tiền Cộng hoà Síp. Tuy nhiên, một số người tỏ ra đồng tình nếu kế hoạch này chỉ áp thuế một lần với tiền gửi của họ và nếu đây là cách duy nhất để lĩnh vực tài chính Cộng hoà Síp tránh được nguy cơ đổ vỡ.
Phát biểu sau khi kết thúc cuộc thảo luận với quan chức Châu Âu và các nhà cho vay quốc tế, Tổng thống Cộng hoà Síp, Nicos Anastasiades tỏ ý hài lòng với kết quả này. Với thoả thuận vừa đạt được, Cộng hoà Síp sẽ nhận được khoản giải ngân khẩn cấp đầu tiên vào tháng 5 tới. Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã có phản ứng tích cực sau khi các đối tác Châu Âu đạt thỏa thuận cứu trợ Cộng hòa Síp./.