Động thái đưa ra trong bối cảnh vương quốc Anh chuẩn bị rời khỏi khối và Liên minh châu Âu ngày càng quan ngại việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sẽ giảm cam kết của Mỹ đối với việc hỗ trợ an ninh cho các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu.

Trong một động thái được xem là để bù đắp cho những cắt giảm chi tiêu của Mỹ trong hợp tác quân sự với các đồng minh sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền, Ủy ban châu Âu đã đề xuất tăng nguồn lực nghiên cứu quốc phòng trong năm tới lên 25 triệu euro và hướng tới mục tiêu 90 triệu euro vào năm 2020. 

00_4ce7d_leem.jpg
Liên minh châu Âu ngày càng quan ngại việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sẽ giảm cam kết của Mỹ đối với tổ chức này, (ảnh minh họa: ITN).

Theo phân tích của Cơ quan quốc phòng châu Âu (EDA) cũng như nhiều nước thành viên, sau năm 2020, khối này có thể cần tới 500 triệu euro mỗi năm để nghiên cứu quốc phòng.

Một phần trong nỗ lực làm sống lại hợp tác quốc phòng nội khối của Ủy ban châu Âu là đề xuất thành lập một quỹ chi tiêu quốc phòng với mức khởi điểm 5 tỷ euro mỗi năm từ năm sau để chính phủ các nước có thể mua máy bay trực thăng và máy bay quân sự mới với giá thấp.  

Một kế hoạch khác cho phép ngân sách chung của Liên minh châu Âu và ngân hàng phát triển của khối đầu tư vào nghiên cứu quân sự cũng sẽ mở ra cơ hội chi tiêu cho những chiếc máy bay không người lái, hệ thống an ninh mạng và những thiết bị quân sự kỹ thuật cao khác. 

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách về tăng trưởng và đầu tư Jyrki Katainen cho biết, kế hoạch ngân sách quốc phòng vừa công bố sẽ cho phép các nước thành viên Liên minh châu Âu duy trì mức độ an toàn mà không thổi phồng những chi tiêu quân sự.

“Không có nước nào có thể một mình trang trải được việc đầu tư cho an ninh và quốc phòng nhiều như mức cần thiết mà không phải giảm đáng kể những phần khác trong ngân sách chung. Và đó là lý do tại sao chúng ta phải nhìn ra cơ hội để sử dụng tốt hơn chi tiêu công để có thể tăng cường an ninh”, Phó Chủ tịch EC cho biết.

Đề xuất chính của Ủy ban châu Âu là một quỹ đầu tư cho quốc phòng cho phép chính phủ các nước thành viên thể đóng góp hoặc vay tiền từ đây. Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini hy vọng các nước thành viên sẽ nhận thấy giá trị của kế hoạch này khi nó được triển khai.

Phát biểu trước thềm cuộc tập trận chung của Bỉ, Slovenia, Áo tại Bỉ và Anh, bà Mogherini cho biết: “Đây chính xác là một lĩnh vực mà các nước thành viên sẽ nhận thấy giá trị gia tăng của Liên minh châu Âu rõ ràng nhất. Bởi vì như Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen đã nói, mỗi một đồng euro chúng ta chi ra, kết quả được ít hơn nhiều so với mỗi đồng USD mà họ chi cho quốc phòng Mỹ. Khoảng cách về kết quả này là điều mà các nước thành viên Liên minh châu Âu đều biết rõ là có thể giải quyết được thông qua hợp tác ở lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng”.   

Trước đó, năm 2003, châu Âu từng có một kế hoạch quốc phòng chung nhưng không giành được sự ủng hộ của Anh, nước cho rằng tăng cường hội nhập về quốc phòng trong Liên minh châu Âu có thể làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Vì thế đối với kế hoạch quốc phòng chung lần này, Pháp, Đức và Italy hy vọng việc Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ phá bỏ rào cản đó. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là Liên minh châu Âu mất đi một trong những nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách của khối./.