Ngày 9/11, Thủ tướng Ba Lan cảnh báo căng thẳng với Belarus có thể leo thang trong những ngày tới khi ông điều thêm binh sĩ tới biên giới giữa hai nước để đối phó với tình trạng gia tăng số lượng người di cư tập trung ở đó. 

Sau khi đến thăm biên giới giữa nước này và Belarus, nơi hàng trăm người di cư và tị nạn, bao gồm cả trẻ em và người lớn tuổi cắm trại ở khu vực này, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho rằng Belarus đang cố gắng châm ngòi cho một cuộc đối đầu bằng cách khuyến khích người di cư vào Ba Lan và Liên minh châu Âu.

Theo một số các hình ảnh được cảnh sát Ba Lan ghi nhận hôm thứ 3 cho thấy hàng trăm người di cư đang di chuyển về phía biên giới Ba Lan gần làng Kuznica, một số người đã cố gắng phá hàng rào để vượt biên, phần còn lại của người di cư tụ tập trong các lều tạm ở biên giới Belarus.

Lực lượng Biên phòng Ba Lan cho biết khoảng 800 người di cư đã cắm trại ở phía bên hàng rào của Belarus và dự báo đây chỉ là một phần của khoảng 4.000 người di cư đang tìm cách vượt biên vào nước này. Các nhà chức trách Ba Lan đã đóng một cửa khẩu chính thức với Belarus trong ngày hôm qua, nơi hàng nghìn người di cư cố gắng vượt qua một ngày trước đó.

Trước các động thái này, các tổ chức nhân đạo quốc tế cho rằng, Ba Lan đang vi phạm quyền tị nạn quốc tế khi đẩy người di cư trở lại Belarus thay vì chấp nhận đơn xin tị nạn của họ, tuy nhiên Ba Lan khẳng định rằng hành động của mình là hợp pháp.

Trong một diễn biến liên quan, hãng thông tấn nhà nước Belarus đưa tin ngày 9/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã thảo luận về cuộc khủng hoảng này và bày tỏ lo ngại về sự hiện diện ngày càng gia tăng của quân đội Ba Lan tại khu vực biên giới. 

Litva ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới với Belarus vì người di cư

Ngày 9/11, Chính phủ Litva  đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới với Belarus, đánh dấu lần đầu tiên chế độ pháp lý được sử dụng ở nước này kể từ khi độc lập.

Động thái này được đưa ra nhằm đáp trả việc hàng trăm người di cư cố gắng nhập cảnh vào Ba Lan từ Belarus, dẫn đến cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Ba Lan hôm 8/11. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp được đề xuất bởi chính phủ và ngay lập tức được các nhà lập pháp chấp thuận.

Bộ trưởng Nội vụ Litva Agne Bilotaite cho biết, tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng từ 10/11 và kéo dài trong 1 tháng trong một khu vực rộng 5 km dọc biên giới với Belarus và cả các trại di cư. Các biện pháp sẽ bao gồm hạn chế quyền của những người di cư không thường xuyên cư trú tịa Litva được liên lạc bằng văn bản hoặc qua điện thoại.

Việc di chuyển của các phương tiện trong khu vực này sẽ bị hạn chế, kiểm soát bởi lực lượng biên phòng. Chỉ những cư dân địa phương cũng như những người có bất động sản trong khu vực mới được phép ra vào khu vực này.

Trong thời khẩn cấp, các lực lượng biên phòng Litva sẽ được sử dụng mọi biện pháp tâm lý và vũ lực hợp lý để ngăn người di cư cũng như được phép dừng và khám xét phương tiện, người để tìm vũ khí, đạn dược, chất nổ và các chất nguy hiểm khác, đồng thời giam giữ những người vi phạm./.